Đâu rồi mùa hoa phượng?

(NTO) Tôi nhớ như in thưở học trò đầy lãng mạn, thơ mộng khi mùa hoa phượng nở. Đó là lúc những cậu bé, cô bé “nhất quỷ, nhì ma” thoả sức vui chơi mà không sợ thầy, cô giáo phạt, cha mẹ trách móc. Mùa hoa phượng nở đồng nghĩa với kết thúc năm học, các cô cậu học sinh ai nấy trở về với ngôi nhà thân yêu cùng với dự định cho những ngày nghỉ hè náo nhiệt.

Học trò ở quê thì đi câu cá, thả diều, bơi lội, đá bóng… hoặc giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng, việc nhà; học trò thành phố thì rủ nhau đi picnic về vùng ven đô, về quê nội-ngoại hoặc đến thư viện đọc sách, chơi thể thao. Sau thời gian nghỉ hè vui chơi thoả thích, mọi kiến thức học hành năm trước như theo cùng gió mây để rồi lúc vào năm học mới thầy, cô giáo kiểm tra chất lượng chẳng trò nào có được điểm 9, 10. Mùa hoa phượng ngẫu nhiên trở thành nỗi mong đợi của mỗi học sinh và để khi lớn lên trưởng thành đi khắp đó đây thì kỷ niệm vui chơi bên nhau những dịp hè thời áo trắng trở nên ngọt ngào khó quên trong tâm trí mỗi người.

Mùa hoa phượng vĩ. Ảnh: Sơn Ngọc

Đó là mùa hè của những học sinh thời bao cấp. Khi đất nước đổi mới, hội nhập với thế giới thì mùa hoa phượng nở (nghỉ hè) của nhiều học sinh là lúc chạy trước kiến thức của năm học mới. Anh bạn cùng cơ quan cho rằng: Học trò thời nay không có hè. Kết thúc năm học vừa rồi con gái anh nài nỉ: Mẹ ơi, hè này nhà mình đi nghỉ dưỡng ở Bà Nà nhé! Chẳng là mẹ cháu hứa từ đầu năm học, con gái học lớp 11 đạt học sinh giỏi sẽ thưởng chuyến du lịch trong nước. Nghĩ chuyện đã hứa với con nay sao đây, mẹ cháu tìm cách hoãn binh bằng việc động viên: Chỉ còn năm nữa là tốt nghiệp, hè này dành thời gian học trước chương trình lớp 12, năm tới thi đỗ đại học con muốn du lịch đâu cha mẹ chiều. Nghe mẹ nói, cháu có vẻ bực dọc thở ra: Lại chu kỳ học hè chán chết như mọi năm, con sắp biến thành cái robot học rồi mẹ có biết không và buông thõng một câu như vô định: Hè ơi, mi ở đâu?

Có lẽ việc bà mẹ yêu cầu cô con gái học hè chuẩn bị cho năm cuối cấp và thi vào đại học bởi kỳ vọng của gia đình là tâm trạng chung của nhiều bậc cha mẹ. Thế nhưng việc học thêm, học trước chương trình phổ thông trong dịp nghỉ hè đã trở thành chuyện thường ngày của nhiều học sinh mà chính chúng không hề muốn. Áp lực học thật giỏi để sau này thi đậu các trường đại học, tìm kiếm cơ hội du học nước ngoài, có việc làm ổn định và thu nhập khá cho tương lai con em mình đang trở thành mốt thời thượng để các bậc cha mẹ học sinh đua tranh. Bên cạnh đó là nhu cầu có thực của khá nhiều phụ huynh bậc tiểu học, trung học cơ sở muốn có một chỗ giữ con tin cậy để yên tâm đi làm. Có cung ắt sẽ có cầu, các lớp học hè luyện văn hoá, lớp năng khiếu như hội hoạ, âm nhạc... như hoa nở mùa xuân thoả mãn mọi nhu cầu học hè của các bậc cha mẹ học sinh từ tiểu học trở lên. Những gia đình khá giả thì mời thầy, cô giáo dạy kèm riêng con tại nhà những môn định hướng cho con cái thi đại học sau này. Nhiều phụ huynh xem việc cho con học thêm như một điều tất yếu của kỳ nghỉ hè. Thế nhưng, cũng vì vậy mà họ quên rằng học trò cần có nhu cầu được vui chơi, giải trí và rèn luyện kỹ năng đúng với lứa tuổi của mình. Áp lực từ học hè sẽ khiến cho các em không có điều kiện tốt để phát triển thể chất và tinh thần. Theo báo điện tử VnExpress, trong 30 năm (1984 - 2014), người Việt cao lên, nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao của nữ giới cũng rất thấp, gần 154 cm. Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho biết tại buổi họp báo sáng 8-10-2014 nhân Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (15-23/10): Người Việt hiện thấp nhất khu vực châu Á. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Như vậy, tuổi học trò là giai đoạn phát triển nhanh nhất chiều cao con người nhưng áp lực học hành, nhất là dịp nghỉ hè có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến người Việt thấp nhất khu vực châu Á.

Con cái học giỏi, thành đạt không chỉ là mơ ước của mỗi bậc cha mẹ học sinh mà còn là kỳ vọng của cả dân tộc. Nhưng nếu học theo kiểu chạy trước chương trình, học cả kỳ nghỉ hè để rồi học sinh mất đi mùa hoa phượng nở và chúng thảng thốt hỏi: Hè ơi, mi ở đâu? Thì đó không chỉ là lỗi của các bậc cha mẹ học sinh mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta.