Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành
về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ Công Thương đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học để hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, để hoàn thiện Dự thảo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý cần có thêm sự so sánh với các nước phát triển, các nước đang phát triển, các nước có trình độ phát triển tương đương để rút ra bài học trong xây dựng chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các địa phương sớm đưa vào quy hoạch những khu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tránh sự xung đột với các quy hoạch khác.
Dự kiến, sau khi Bộ Công Thương hoàn thiện, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ được báo cáo tại phiên họp của Thường trực Chính phủ trước khi Thủ tướng ký ban hành.
Là nước gần đường xích đạo, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện năng. Nguồn điện mặt trời sẽ giúp giải bài toán về cân bằng cung cầu điện vào giờ cao điểm ban ngày. Thay thế sử dụng nhiên liệu hoá thạch bằng điện mặt trời sẽ góp phần giảm khí CO2, giảm tác động xấu đến môi trường. Nhiều dự án điện mặt trời có thể bán được chứng chỉ giảm phát thải carbon cho cộng đồng quốc tế, tạo ra nguồn thu bổ sung để hỗ trợ các dự án điện mặt trời ở Việt Nam.
Sớm ý thức về vai trò của các nguồn năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng, ngay từ năm 2004, Luật Điện lực đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển. Sau đó, Luật Điện lực năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Đầu tư (2014) cùng với một số nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng cũng đã cụ thể hoá các chính sách này.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, những cơ chế, chính sách hiện có chưa thiết lập được cơ chế tài chính để khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời.
Kinh nghiệm trên thế giới trong lĩnh vực này cho thấy, phần lớn các nước đều có chiến lược và chương trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Hầu hết các chương trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo đều được cung cấp tài chính trực tiếp từ ngân sách Nhà nước hoặc thông qua các biện pháp ưu đãi như bù giá điện, miễn giảm thuế và nhiều hình thức hỗ trợ khác.
Tại Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Mỹ… quỹ phát triển năng lượng tái tạo được thành lập với nguồn thu từ thuế/phí nhiên liệu hoá thạch với mục đích thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Với những lý do đó, Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ là hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động quản lý Nhà nước về phát triển điện mặt trời.
Ngoài ra, với quyết định này, thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam cũng sẽ được minh bạch, từ đó thúc đẩy đầu tư nguồn điện mặt trời nhằm bổ sung công suất cho hệ thống để thay thế nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần cạn kiệt.
Việc khuyến khích phát triển điện mặt trời cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Dự thảo cũng quy định mức hỗ trợ giá điện đối với đầu tư xây dựng công trình điện mặt trời. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị phân phối điện, các tổ chức, cá nhân kinh doanh điện có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng từ các dự án điện mặt trời trong một giai đoạn (dự kiến 20 năm). Giá mua, phương thức cũng như các điều kiện mua-bán điện từ các dự án điện mặt trời sẽ được quy định cụ thể để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các chính sách khuyến khích phát triển sau khi được ban hành sẽ hỗ trợ thúc đẩy phát triển điện mặt trời ở Việt Nam. Ước tính, sẽ có 0,5% sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời vào năm 2020; đến năm 2030 là 5%; đạt mức 20% vào năm 2050; tương ứng đến năm 2030 và năm 2050 sẽ giảm khoảng 7,6 triệu tấn và 70 triệu tấn than nhập khẩu.
*Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án điện theo hình thức BOT.
Nguồn chinhphu.vn