Hiệu quả bước đầu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước

(NTO) Với tinh thần vào cuộc quyết liệt cả hệ thống chính trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ứng phó hạn hán, đến nay, bước đầu đã minh chứng được tính hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước và định hướng trong những năm tiếp theo do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cùng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học vừa qua.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất những giải pháp chống hạn hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra trên quy mô lớn, đồng bộ, theo hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, kết thúc vụ Đông-xuân, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 1.377/1.200 ha, vượt 14,75% kế hoạch năm; trong đó, diện tích cây đậu xanh 995,6 ha; cỏ chăn nuôi 110 ha, bắp 159,8 ha, các loại cây trồng khác 111,4 ha. Tính đến ngày 19-4, diện tích cây đậu xanh trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 407 ha, năng suất bình quân đạt 1,1 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 13,6 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với trồng lúa. Cây bắp chuẩn bị thu hoạch, dự kiến năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, lợi nhuận 7,5 triệu đồng/ha…

 
Nông dân xã Phước Hữu (Ninh Phước) trồng dưa hấu trên đất lúa.

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, dự kiến sản lượng đậu xanh hạt trên địa bàn toàn tỉnh trong vụ Đông-Xuân 2015-2016 sẽ thu hoạch khoảng 1.000 tấn, đồng thời tạo ra một khối lượng phụ phẩm gần 4.000 tấn để dùng làm thức ăn cho gia súc nhai lại; người trồng đậu xanh có thể thu thêm từ nguồn phụ phẩm 1 triệu đồng/ha và trồng bắp thu thêm nguồn phụ phẩm 1,5 triệu đồng/ha. Đồng chí Nguyễn Tin còn chia sẻ việc luân canh trồng cây họ đậu trên đất lúa giúp cải tạo, tăng độ phì cho đất, tiết kiệm lượng nước rất lớn, cụ thể, cây đậu xanh chỉ cần 2,5-3 nghìn m3/ha, trong khi nước tưới cho cây lúa trong vụ Đông-Xuân phải cần 10 nghìn m3/ha, cây bắp 5 nghìn m3/ha; qua đó, góp phần cải thiện môi trường trong nông nghiệp, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân trong điều kiện thiếu nước không thể tổ chức sản xuất cây trồng truyền thống như hiện nay.

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, Ông Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố cũng nhận định, cần phải hoàn chỉnh việc khảo sát và quy hoạch tiểu vùng, phân vùng sản xuất nông nghiệp cụ thể; chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm mang tính hàng hóa phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; xây dựng các mô hình có tính mới, sản xuất tiên tiến, hiện đại; chú trọng tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân; tăng cường phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý để quản lý tốt quy hoạch vùng nguyên liệu; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện tốt khâu liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả cho sản xuất và duy trì phát triển bền vững vùng chuyển đổi…

 
Nông dân tham quan mô hình trồng cây đậu xanh tại Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố.

Nhìn chung, cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định công tác chống hạn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần phải triển khai quyết liệt, đồng bộ, bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch của UBND tỉnh giao; quan tâm tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, phương thức gieo trồng ngay từ đầu vụ, đến nay đã tổ chức 16 lớp, với 608 học viên (Thuận Bắc: 200 học viên, Ninh Sơn: 227 học viên, Ninh Phước:76 học viên, Thuận Nam: 105 học viên); luôn chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông giúp nông dân nâng cao nhận thức; phổ biến các mô hình sản xuất, giải pháp chống hạn hiệu quả; triển khai công tác phối hợp chặt chẽ các ngành, địa phương cân đối, điều tiết nguồn nước hiện có cho từng vùng, bảo đảm sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển bền vững; tăng cường nắm bắt thông tin các điển hình sản xuất giỏi, sản xuất có hiệu quả kinh tế, xây dựng các mô hình trình diễn trên từng đối tượng cây trồng được xác định chuyển đổi tại từng địa phương để nông dân có điều kiện tiếp cận học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng trong sản xuất; tổ chức sản xuất, quy hoạch vùng chuyển đổi, hình thành các tổ liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhằm bảo đảm đầu ra ổn định để người dân an tâm sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước và định hướng trong những năm tiếp theo thành công, mang tính bền vững…