Định hướng hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giai đoạn 2016-2020

(NTO) Giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đã hợp tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (KH) và phát triển công nghệ (CN) với 18 đề tài, dự án. Trong đó, 9 đề tài, dự án hợp tác với 6 Viện nghiên cứu, các đề tài, dự án còn lại hợp tác với 6 trường đại học. Kết quả các đề tài, dự án hợp tác mang lại hiệu quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Điển hình là đề tài “Dự báo tình hình nhiễm mặn và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm mặn đất, nước ngầm tại đồng muối Quán Thẻ” do Công ty TNHH MTV Nước và Môi trường Bình Minh (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện đã đề ra phương án khắc phục những hạn chế gây bức xúc trong dư luận. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ tại Ninh Thuận” giúp ngư dân nâng cao hiệu quả trong đánh bắt ngư trường xa bờ, tiết kiệm được nhiều chi phí…

Sở Khoa học& Công nghệ hỗ trợ nông dân xã An Hải trồng măng tây xanh theo hướng VietGAP. Ảnh: Sơn Ngọc

Không dừng lại đó, việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu KH và phát triển CN đã bổ sung nguồn nhân lực nghiên cứu KH trong tỉnh. Giai đoạn này, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh chủ động liên hệ và mời 70 lượt chuyên gia của 20 Viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín trên toàn quốc hỗ trợ tỉnh trong phản biện, đánh giá hồ sơ tuyển chọn, xét chọn, kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án KH của tỉnh; đồng thời, tham gia tư vấn và giám sát xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN.

Tuy vậy, theo đánh giá của đơn vị chức năng, việc hợp tác nghiên cứu KH và phát triển CN trong những năm qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, các Viện nghiên cứu, trường đại học đề xuất nhiệm vụ chưa bám sát thực tiễn địa phương, không ít đề tài, dự án chất lượng chưa cao, thiếu tính mới, tính khả thi. Đó là chưa kể đến một số đề tài, dự án kéo dài thời gian thực hiện, nội dung nghiên cứu trùng lắp. Phân tích hạn chế trên, đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng: Nguyên nhân xuất phát từ 2 phía. Đối với tỉnh ta, cơ chế đầu tư tài chính còn nhiều bất cập, thiếu tính đồng bộ là trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác. Về phía đối tác, tinh thần trách nhiệm của một số nhà KH chưa cao, chưa nắm rõ quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN của tỉnh nên đề xuất các dự án có tính dàn trải.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta xác định tiếp tục mở rộng hợp tác nghiên cứu các đề tài, dự án ở tầm cao mới, để cho KH&CN thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển, tránh việc đăng ký đề tài, dự án dàn trải, thiếu chiều sâu. Chú trọng ưu tiên các hoạt động nghiên cứu ứng dụng CN cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lựa chọn các đề tài ứng dụng CN sinh học vào điều kiện thực tế ở tỉnh ta như: CN tưới tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện hạn hán. Cùng với đó, hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp cũng được quan tâm. Cụ thể là hợp tác nghiên cứu chế tạo, cải tiến các loại vật tư, máy móc, thiết bị vật liệu mới sử dụng trong nông nghiệp. Nghiên cứu phát triển và nhân rộng mô hình ứng dụng năng lượng tái tạo; ứng dụng thành tựu KH&CN trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông, tài nguyên và môi trường…

Để thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu KH và phát triển CN giai đoạn 2016-2020 có kết quả, hiện tại, Sở KH&CN đã thông báo rộng rãi định hướng trọng tâm và hướng dẫn đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu đến các tổ chức, đơn vị ngoài tỉnh. Một trong những động thái tích cực ở lĩnh vực này là, cuối tháng 3 vừa qua, tỉnh ta đã tổ chức hội thảo đưa ra các đề tài nghiên cứu cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, được các nhà KH quan tâm. Từ việc đưa ra nhiệm vụ nghiên cứu sát với yêu cầu phát triển của tỉnh, cùng với triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi hơn so với trước nên đã thu hút được nhiều tổ chức, đơn vị trong cả nước tìm đến tỉnh ta hợp tác nghiên cứu KH. Nổi lên như Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề xuất đề tài khai thác tài nguyên nước ở vùng khô hạn phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp một cách đồng bộ.