Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2011-2016

Sáng nay (12/4), hơn 94% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường đã thông qua Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

 
Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nghị quyết đánh giá, trong 5 năm qua, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát đã phát huy trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật, đã ban hành Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng chính trị-pháp lý quan trọng cho công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước.

Quốc hội yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội.

Cụ thể, Quốc hội chú trọng giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, nhất là phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giám sát việc sử dụng ngân sách, vốn và tài sản Nhà nước, chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm; giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội; giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Đối với Chủ tịch nước, tiếp tục phát huy vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Thúc đẩy quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Thực hiện tốt công tác thi đua-khen thưởng, công tác đặc xá và chỉ đạo công tác cải cách tư pháp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành; xây dựng Chính phủ hành động, trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nỗ lực phấn đấu, có giải pháp hiệu quả thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm.

Chính phủ cơ cấu lại, tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước và tài sản công; có các biện pháp thích ứng để tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giải quyết tốt vấn đề nợ công, nợ xấu, nợ Chính phủ. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao phúc lợi xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm, trật tự xây dựng, phòng, chống cháy nổ, trật tự, an toàn xã hội; giảm tai nạn giao thông, tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Chính phủ có các giải pháp khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, thu hút, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển; xây dựng nông thôn mới.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ứng phó kịp thời trước mọi tình huống có thể xảy ra. Chủ động đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức; chấp hành đúng quy định về báo cáo trước Quốc hội, báo cáo Chủ tịch nước, báo cáo trước nhân dân.

Các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tuân thủ chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện vi phạm pháp luật, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ...

Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; thực hiện nghiêm Luật Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan Kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý các vi phạm.

Nguồn chinhphu.vn