Di chuyển đàn gia súc trong mùa hạn

(NTO) Để duy trì đàn, tiếp tục phát triển chăn nuôi trong mùa hạn, nhiều hộ dân đã chuyển đàn gia súc từ vùng thiếu nước về vùng trũng thấp, dọc kênh, hồ thủy lợi nhằm chủ động tìm nguồn nước uống và thức ăn cho đàn gia súc.

Khó khăn cho người nuôi

Tại xã Phước Trung (Bác Ái), nơi có lượng đàn gia súc lớn, lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng hạn hán, những ngày qua, một số trang trại nuôi cừu lớn ở đây đã dần di chuyển đàn đi nơi khác. Trong đó, có đàn cừu 1.000 con của hộ ông Trần Công Hòa, đã được chuyển về khu vực hồ Sông Trâu, huyện Thuận Bắc. Theo ông Hòa, từ đầu tháng 3 đến nay, lượng nước trên địa bàn giảm, nguồn thức ăn chính từ các đồng cỏ đã bị khô cháy. Trong lúc tại đây, lượng gia súc tập trung khá đông nên khan hiếm nguồn thức ăn. Do vậy, nếu chở nước và mua thức ăn cho cả đàn trong thời gian dài thì không xuể, nên di chuyển đàn là giải pháp phù hợp nhất hiện nay.

 
Tại xã Phước Trung chỉ còn những hố nước nhỏ là nơi tập trung chăn thà đàn cừu.

Theo UBND xã Phước Trung, do khô hạn kéo dài, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 50 con gia súc bị chết do suy dinh dưỡng, chủ yếu là cừu non. Hiện nay, những hộ chăn nuôi với số lượng đàn lớn tại thôn Thạm Dú và Đồng Dày đã dần di chuyển đàn đến khu vực gần nguồn nước như đập Ô Căm (Phước Trung), vùng hồ Sông Trâu (Thuận Bắc) và một số xã dọc kênh thuộc huyện Ninh Hải, Ninh Phước. Ông Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết: Hiện nay, giá cừu thịt giảm mạnh từ 75 ngàn đồng/kg xuống còn 66 ngàn đồng/kg, trong khi đó giá phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc lại tăng lên từ 1,5 triệu đồng lên trên 2 triệu đồng/xe máy cày, nên người chăn nuôi gặp khó khăn. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện di chuyển thì lùa gia súc đi xa hơn để tìm nguồn thức ăn, cầm cự qua mùa hạn.

Tìm nơi chủ động nước

Xã Phước Hữu (Ninh Phước) lúc cao điểm có đến hơn 40 hộ chăn nuôi với lượng đàn trên 10 ngàn con gia súc gồm cừu, trâu và bò được các chủ trang trại từ huyện Thuận Nam di chuyển về đây dựng trại để chăm sóc. Các xã Phước Thái, Phước Hậu cũng là địa phương có đàn gia súc di chuyển đến khá nhiều. Do khu vực này gần sông Lu và tuyến kênh chính từ hồ Tân Giang nên nguồn nước khá đảm bảo. Khi chuyển về đây, đàn gia súc tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ và cây đậu xanh để làm thức ăn, vừa chủ động nguồn nước uống. Chị Báo Thị Tâm, người dân thôn Văn Lâm (xã Phước Nam, Thuận Nam), đã di chuyển đàn đến đây được gần 3 tháng, cho biết: Gia đình đưa đàn gia súc từ Cà Ná về. Mới đầu di chuyển, một số con cũng ốm yếu, nhưng nhờ đủ thức ăn, nước uống nên đàn bình phục và phát triển dần. Sắp tới có cây đậu xanh thu hoạch, gia đình sẽ mua thêm thân cây cho cừu ăn.

 
Người dân di chuyển đàn về nơi chủ động nguồn thức ăn.

Thực hiện chủ trương không để gia súc bị chết do thiếu đói hoặc khát nước, UBND huyện Thuận Nam đã phối hợp với UBND huyện Ninh Phước tạo điều kiện bố trí những địa điểm phù hợp, tiếp nhận đàn gia súc đến chăn thả. Đồng thời, có sự quản lý, theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trước khi tiếp nhận; tạo điều kiện về nguồn nước, thức ăn cho gia súc trong quá trình chăn thả tại địa phương.

Ông Trần Văn Bình, cán bộ thú y huyện Thuận Nam, cho biết: Huyện Thuận Nam là địa phương bị ảnh hưởng hạn hán trên phạm vi toàn bộ diện tích, nên phương án di dời đàn gia súc là rất cần thiết và cấp bách. Nhằm tạo điều kiện cho người dân trong quá trình di chuyển đàn, địa phương đã kiểm tra và cấp giấy kiểm dịch cho chủ hộ chăn nuôi để khi di chuyển đàn, nơi tiếp nhận dựa vào đó mà bố trí sắp xếp, quản lý. Chính vì vậy, đến nay, mặc dù một số đàn có tình trạng suy dinh dưỡng nhưng không xuất hiện dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Trong điều kiện thời tiết nắng hạn vẫn tiếp diễn, các địa phương cần tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ người chăn nuôi trong việc di chuyển đàn, cũng như có chính sách hỗ trợ cần thiết về chăn nuôi để duy trì đàn gia súc phát triển ổn định.