Nguyễn Bá Ninh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Kế hoạch đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu cần tập trung triển khai thực hiện đối với đội ngũ cán bộ quản lý, bởi đội ngũ này là một trong những lực lượng trực tiếp góp phần hoạch định, tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách, đề án, chiến lược đổi mới GD&ĐT, là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của đổi mới căn bản GD&ĐT.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn trao đổi bài tập. Ảnh: Văn Miên
Toàn ngành tập trung triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp chính về đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Chương trình hành động số 235-CT/TU ngày 20-1-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”. Ngày 18-2-2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 492/KH-UBND về “Đổi mới công tác quản lý GD&ĐT” tạo sự đột phá để phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.
Nội dung tập trung 8 nhiệm vụ, giải pháp chính, gồm: Hoàn thiện thể chế quản lý; đẩy mạnh phân cấp quản lý; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở GD, ĐT và giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm; tranh thủ các nguồn lực đầu tư.
Trong điều kiện kinh tế của tỉnh xuất phát điểm còn thấp, đời sống xã hội của Nhân dân đang còn khó khăn, vì thế việc đầu tư cho giáo dục vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, trường, lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đội ngũ giáo viên còn thiếu, một số ít giáo viên có trình độ tay nghề chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Năm học 2015-2016, toàn ngành GD&ĐT hiện có 324 cơ sở giáo dục với 131.278 học sinh ở cấp học mầm non, phổ thông; 2479 học viên giáo dục thường xuyên; 2681 sinh viên cao đẳng sư phạm, trung cấp chuyên nghiệp; trên 10.350 cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động.
Tính đến tháng 3-2016, toàn tỉnh có 72 trường chuẩn quốc gia, đạt 30,6%; số xã đạt tiêu chí trong lĩnh vực giáo dục về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 7/11 xã điểm, đạt 63,6%. Về công tác phổ cập giáo dục có 63/65 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và 60/65 xã, phường, 5/7 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; học sinh học 2 buổi/ngày ở cấp Tiểu học đạt 50,1%, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Về công tác đào tạo bồi dưỡng, trong quý 1, có 136 CB, CC, VC được đưa đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước gồm: Nghiên cứu sinh: 3, Cao học: 37, Quản lý nhà nước: 62, Lý luận chính trị: 30, Quốc phòng-An ninh: 4.
Để bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được giao, từ nay đến năm 2020, toàn ngành tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lĩnh vực GD&ĐT theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đảm bảo sự phát triển GD, ĐT một cách ổn định, bền vững, toàn diện cả về quy mô, chất lượng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy mạnh phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở, tạo sự năng động, sáng tạo cho cơ sở. Tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Giáo dục cho toàn thể CB, CC, VC và học sinh, sinh viên phát triển toàn diện, dạy tốt, học tốt và làm việc có hiệu quả; hoàn thành việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở địa phương; bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển GD&ĐT đến năm 2020; hoàn thiện việc sắp xếp hệ thống quản lý đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, phù hợp chức năng, nhiệm vụ. Xác định rõ vị trí việc làm trong các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở GD, ĐT, giáo dục nghề nghiệp.
Phấn đấu trong năm 2016, toàn tỉnh có 32-34% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 55% số học sinh Tiểu học được học 2 buổi/ngày và đến năm 2020 có 20% trường mầm non và 50% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; huy động học sinh đến trường, ở cấp Tiểu học có trên 99% số học sinh trong độ tuổi và số trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1; 80% HS học 2 buổi/ngày; 70% HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 và 30% học sinh học nghề; 100% huyện, thành phố có trung tâm thực hiện chức năng giáo dục thường xuyên; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98%; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 trường chất lượng cao; tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn; hằng năm có trên 25% số học sinh tốt nghiệp THPT thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Phân hiệu Đại học Nông Lâm và các trường trung cấp chuyên nghiệp, chuẩn bị cho việc xây dựng Trường Đại học Ninh Thuận theo lộ trình.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục để tạo sự đột phá phát triển GD&ĐT ở tỉnh ta, phải khởi đầu từ đổi mới về quan điểm, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục, Phòng, Sở GD&ĐT biết được mục đích của việc đổi mới, những vấn đề thay đổi trong mục tiêu, nội dung đổi mới... Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ quản lý nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và có hành động, việc làm cụ thể, từng cơ sở giáo dục xây dựng nội dung, phương pháp, hình thức, kế hoạch triển khai thực hiện việc đổi mới công tác quản lý GD&ĐT góp phần đổi mới căn bản, toàn diện để tiến tới một nền GD&ĐT tiên tiến, tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.