Thuận Nam: Nâng cao chất lượng giáo dục

(NTO) Năm học 2015-2016, toàn huyện Thuận Nam có 30 trường học, với 11.320 HS, trong đó có 7 trường Mầm non, 16 trường TH và 7 trường THCS. Đồng chí Nguyễn Bá Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Nam, chia sẻ: Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, ngay từ đầu năm học, phòng chỉ đạo các trường thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ban Giám hiệu các trường triển khai, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”; Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo giàu năng lực, phẩm chất, tâm huyết với nghề, huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tạo điều kiện để HS tham gia học tập, rèn luyện kỹ năng sống, thu hút các em đến trường mỗi ngày.

Triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, năm học này, huyện tiếp tục chỉ đạo các trường tăng cường thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Tạo điều kiện để giáo viên lựa chọn, sắp xếp 120 chỉ số trong Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi vào chương trình giảng dạy, từ đó xây dựng bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ để có hướng nuôi dạy phù hợp. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục mầm non của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ở các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và tham gia các hoạt động tập thể. Đến nay, huyện có 5/8 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, số trẻ được ăn trưa tại trường đạt 67,74% (tăng 4,34%); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống còn 5,65%.

 
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thuận Nam phối hợp với nhà tài trợ trao học bổng “Vì em hiếu học”,
tạo điều kiện cho HS nghèo có điều kiện đến trường.

Ở bậc học phổ thông, các trường chú trọng tổ chức hoạt động dạy và học theo hướng tích cực, lấy HS làm trung tâm; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; kiểm tra đánh giá, tổ chức các hình thức học tập, trải nghiệm sáng tạo của HS; hạn chế và đi đến chấm dứt cách dạy đọc-chép, truyền thụ kiến thức một chiều. Ban Giám hiệu các trường chú trọng hoạt động chuyên môn, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hướng nghiệp cho HS thông qua các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, các cuộc thi, diễn đàn trí tuệ…; tổ chức tốt việc phụ đạo HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ công tác ôn thi HS giỏi, hội thao, tạo phong trào mũi nhọn trong các nhà trường…

Bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong học kỳ I, năm học 2015-2016, chất lượng giáo dục phổ thông của huyện không ngừng được nâng lên. Toàn huyện có 99,72% HS TH đạt về năng lực, 78,02% HS THCS có học lực từ trung bình trở lên; tỷ lệ HS TH học 2 buổi/ngày đạt 42%; có 5 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; đặc biệt tỷ lệ HS bỏ học giảm hẳn so với năm học trước. Trong đó, bậc TH chỉ có 1 HS bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,02% (giảm 0,03%); cấp THCS có 30 HS bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,83% và giảm 0,37% so với năm học trước.

Đồng chí Nguyễn Bá Lợi cho biết thêm: Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thời gian tới, ngành Giáo dục huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trọng tâm là thực hiện tốt chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới phương pháp dạy và học; tăng cường chỉ đạo các trường chú trọng việc HS bỏ học giữa chừng, nhất là ở cấp THCS; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, làm cơ sở cho việc xây dựng xã hội học tập… Phấn đấu đến cuối năm 2016 huyện được công nhận hoàn thành Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, có 8 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tỷ lệ HS TH học 2 buổi/ngày đạt 48%.