Ngành Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo

(NTO) Nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã có những bước cải tiến sâu rộng trong công tác này trong giai đoạn 2016-2020.

Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW, ngành GD&ĐT đã triển khai sâu rộng và có hiệu quả từ năm học 2014-2015. Theo đó, toàn ngành không chỉ tiếp tục mở rộng về quy mô, mạng lưới, tăng cường đầu tư có hiệu quả, theo hướng hiện đại, chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà trường mà còn tiếp tục đi sâu củng cố, nâng cao chất lượng dạy học. Các điều kiện đảm bảo cho sự phát triển giáo dục được quan tâm đầy đủ và đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tỷ lệ lớp học được kiên cố hóa và trường đạt chuẩn quốc gia cao. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không ngừng được nâng cao.

Giờ lên lớp của giáo viên và học sinh trường Tiểu học Phước Thành B, huyện Bác Ái.

 Trong giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hành động của ngành xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu cần tập trung triển khai thực hiện để đổi mới công tác quản lý GD&ĐT, qua đó tạo sự chuyển biến nhanh, mạnh mẽ, vững chắc, đúng hướng trong công tác GD&ĐT từ tỉnh đến cơ sở, nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Huy động sự tham gia vào cuộc của các ngành, các cấp và toàn xã hội trong công tác GD&ĐT. Xác định rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục các cấp và trách nhiệm của các ngành trong sự nghiệp phát triển GD&ĐT. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục. Việc xây dựng Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 là căn cứ để UBND các cấp, các ngành, cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình, nhằm thực hiện đổi mới công tác quản lý GD&ĐT.

Đồng chí Nguyễn Bá Ninh cho biết thêm: Để thực hiện có kết quả công tác đổi mới quản lý GD&ĐT trong giai đoạn 2016-2020, ngành xác định tập trung vào 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Hoàn thiện thể chế quản lý; đẩy mạnh phân cấp quản lý; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; đổi mới công tác thi đua-khen thưởng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm; tranh thủ các nguồn lực đầu tư.

Trước mắt, trong năm 2016, ngành GD&ĐT đã đề ra các nhiệm vụ cần phải hoàn thành, qua đó tạo tiền đề cho việc đổi mới công tác quản lý GD&ĐT trong những năm tiếp theo như: Tiến hành rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp các cấp học ở địa phương; bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch phát triển GD&ĐT để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý, thông suốt; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của sở, ngành, địa phương. Xây dựng, ban hành các văn bản, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện trong công tác quản lý; xác định rõ vị trí việc làm, kiện toàn cơ cấu tổ chức, biên chế của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT. Đổi mới hình thức và tổ chức tốt các cụm thi đua trong ngành; giao chỉ tiêu thi đua cho các cơ sở giáo dục; tổ chức thẩm định, kiểm tra, đánh giá các cơ sở giáo dục có tổ chức đăng ký và kết quả đạt được cuối năm học; gắn kết quả thi đua của cán bộ quản lý với danh hiệu của tập thể được phân công phụ trách; đổi mới hoạt động thanh tra, chuyển nội dung từ thanh tra hoạt động chuyên môn sang thanh tra công tác quản lý. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng lực lượng thanh tra. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục. Thực hiện việc bổ nhiệm ngạch thanh tra, cấp thẻ cộng tác viên thanh tra theo quy định.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tin rằng việc đổi mới công tác quản lý GD&ĐT trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII sẽ đạt được những mục tiêu quan trọng trong năm 2016 và những năm tiếp theo.