Cấp bách ứng phó hạn hán gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(NTO) Phát huy bài học kinh nghiệm chống hạn trong thời gian qua, đầu năm 2016, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch chỉ đạo công tác ứng phó hạn hán gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên tinh thần triển khai cấp bách, quyết liệt, chủ động, đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định phát triển kinh tế-xã hội, cơ bản bảo đảm đời sống cho người dân.

 
Nông dân xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc chăm sóc cây bắp.Ảnh: Văn Miên

Theo đó, lãnh đạo các ngành, địa phương cần phải cấp bách, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm chính trị, quyết liệt chỉ đạo, sâu sát người dân; quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý, xây dựng kế hoạch vận hành từng hệ thống hồ, đập thủy lợi và kế hoạch tưới luân phiên, điều tiết nước hợp lý giữa các kênh trong hệ thống; ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, nước uống cho đàn gia súc, các ngành công nghiệp, dịch vụ; thực hiện biện pháp tích nước, tưới nước tiết kiệm phù hợp với nguồn nước và tình hình sản xuất của từng địa phương; tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương để khởi thông dòng chảy; tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân tổ chức gieo trồng đồng loạt, đúng lịch thời vụ và đúng các loại giống đã được ngành Nông nghiệp khuyến cáo; chủ động liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tạo đầu ra để người dân an tâm sản xuất; triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng vào mùa khô năm 2016; quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu “không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra”…

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 17-2, mực nước tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện còn 64,39/192,21 triệu m3, chiếm 33,49% tổng dung tích thiết kế, đặc biệt có 2 hồ không còn nước (Ông Kinh và Tà Ranh). Dự báo trong thời gian tới, diễn biến thời tiết khô hạn sẽ diễn ra khốc liệt hơn, tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu đến cuối tháng 2-2016, các huyện phải đồng loạt xuống giống theo kế hoạch đã đăng ký chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước trong vụ đông-xuân 2015-2016 với tổng diện tích 1.031ha. Tính đến nay, các địa phương mới thực hiện được 369,1ha đậu xanh và cây bắp, đạt 35,8% kế hoạch; cụ thể, huyện Thuận Nam 155/375ha, Thuận Bắc 59,1/400ha, Ninh Phước 40/69ha, Ninh Sơn 115/150,4ha, riêng huyện Ninh Hải đăng ký kế hoạch 36,5ha nhưng chưa triển khai.

Anh Bây Thanh Nếu (thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) cho biết: Do biết hạn hán gây gắt sẽ tiếp diễn, mình đã chủ động chuyển đổi 6 sào đất để xuống giống trồng đậu xanh sử dụng ít nước tưới hơn so với trồng lúa, mỗi tuần chạy nước một lần. Nếu chịu khó chăm sóc, tìm hiểu kỹ thuật trồng thì đậu xanh sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, sau 2 tháng trồng thì cho thu hoạch, trừ chi phí, mình có lại trên 2 triệu đồng/sào. Anh cho biết thêm, người dân ở đây mong muốn khi thu hoạch xong thì có người tới mua đồng loạt với giá cả hợp lý để người dân an tâm chuyển đổi cây trồng, sản xuất…

Được biết, huyện Thuận Bắc đã chủ động liên kết với Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phú hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, trồng cây chuyển đổi như đậu xanh, bắp… và ký cam kết bảo đảm bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, đối với giá sàn đậu xanh là 20.000 đồng/kg, giá sàn bắp vàng 5.000 đồng/kg, khi giá thị trường tăng lên thì tính theo giá thị trường để bà con nông dân an tâm sản xuất, không còn lo trúng mùa thì mất giá….