Phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện miền núi Bác Ái

(NTO) Khuyến học, khuyến tài là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc, góp phần vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đây cũng là chủ trương được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Bác Ái quan tâm chỉ đạo thực hiện và đang được các tầng lớp nhân dân đồng lòng hưởng ứng.

Thầy giáo Nguyễn Như Hoài, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh, xã Phước Bình, cho biết: Để tạo phong trào học tập sôi nổi cho học sinh (HS), ngoài việc tích cực dạy học trên lớp, vào những buổi tối các em nhà ở xa không về được, phải xin ở lại trường hoặc ở nhờ nhà người dân, giáo viên chủ nhiệm các lớp “gom” lại thành nhóm để ôn bài cho các em hoặc dạy phụ đạo 2 môn Toán và Ngữ Văn cho các em học lớp 9, giúp các em nắm vững kiến thức để chuẩn bị thi chuyển cấp. Đó là biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, cách duy trì hiệu quả sĩ số HS của trường.

Giáo viên Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh (Phước Bình) nỗ lực truyền đạt kiến thức cho các em.

Cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, xây dựng Quỹ Khuyến học, khuyến tài đã trở thành nhiệm vụ chung của các cấp ủy, chính quyền và luôn được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nội dung khuyến học, khuyến tài cũng được các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể… lồng ghép, gắn với các phong trào, cuộc vận động… tại địa phương; đồng thời, phối hợp, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp, tài trợ cho HS nghèo hiếu học. Nhờ vậy, hàng năm tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường tăng, tình trạng HS bỏ học và nghỉ học cách nhật giảm xuống dưới 2%. Hiện Bác Ái có gần 400 em đã và đang theo học các trường đại học, cao đẳng…

Ông Đoàn Văn Thọ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bác Ái, cho biết: Cùng với phong trào khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học huyện luôn chủ động phối hợp với Phòng GD&ĐT triển khai thực hiện ký kết chương trình phối hợp liên tịch vận động, hỗ trợ HS tới trường, phụ huynh tạo điều kiện cho con em học tập; tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Hội Khuyến học và ngành GD&ĐT tổ chức. Qua đó, nhiều mô hình khuyến học ra đời và có sức lan tỏa mạnh mẽ như: “Nuôi heo đất giúp bạn đến trường”, “Hũ gạo khuyến học”, nhờ đó mà nhiều phụ huynh và Nhân dân hiểu rõ được ý nghĩa của việc khuyến học, khuyến tài. Hằng năm, Hội Khuyến học các cấp cũng vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ học bổng, khen thưởng, động viên kịp thời đối với giáo viên, HS giỏi. Trong năm, Hội Khuyến học huyện đã vận động hội viên đóng góp vào quỹ trên 20 triệu đồng để khen thưởng HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hiếu học.

Ngoài ra, phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng tộc hiếu học”… được phát động sâu rộng tại khắp các địa phương trên địa bàn huyện. Năm vừa qua, toàn huyện có 248 gia đình được công nhận là “Gia đình hiếu học’. Các trung tâm học tập cộng đồng cũng được mở rộng, đến nay huyện có 9 trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, trong năm đã mở được 18 lớp, với trên 600 lượt học viên tham gia học tập.

Những kết quả đạt được như đã nêu trên, sẽ là động lực làm chuyển biến nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong huyện về công tác khuyến học, khuyến tài. Từ đó, tiếp tục khơi dậy, thắp sáng truyền thống hiếu học tại địa phương.