Giờ học tập của học sinh Trường Tiểu học Phước Thành B.
Toàn ngành GD&ĐT hiện có 7.536 giáo viên, giảng viên, trong đó có 99,83% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Hằng năm, các cơ sở giáo dục đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh để từ đó chọn ra đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực làm nòng cốt cho việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hè và các phong trào ở các trường. Kết quả 5 năm học vừa qua, toàn tỉnh có 53 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ở các cấp học. Ngoài ra, có hơn 50 giáo viên đạt giải trong các hội thi giáo viên TH viết chữ đẹp, cán bộ thư viện giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách đội giỏi, tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, cán bộ quản lý giỏi, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên... Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Đội ngũ giáo viên tỉnh nhà hiện nay cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh, một số cấp học cao hơn mặt bằng chung cả nước. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đã được quan tâm thường xuyên, chủ động, đón đầu, phục vụ tốt yêu cầu phát triển của tỉnh.
Bên cạnh những mặt đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vẫn còn thừa, thiếu cục bộ. Năng lực của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, nhất là trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, yêu cầu dạy tích hợp và liên môn; phương pháp dạy học chậm đổi mới. Một số giáo viên chưa thật sự tâm huyết, chưa là tấm gương để học sinh noi theo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học chưa linh hoạt. Những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm và học thêm tuy đã được chấn chỉnh nhưng vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn thiếu hụt đội ngũ giáo viên giỏi, xuất sắc để tạo sự đột phá cho trường THPT chuyên; thiếu lực lượng giảng viên có trình độ cao, giảng viên các chuyên ngành trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng để phát triển đào tạo đa ngành và hình thành trường đại học…
Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; trong đó, việc xây dựng đội ngũ giáo viên, nhân viên ở các cấp học được ngành đặc biệt chú trọng. Đồng chí Nguyễn Bá Ninh cho biết thêm: Hiện nay, đội ngũ giáo viên cấp TH và THCS trên địa bàn tỉnh hầu hết đã trên chuẩn, tuy nhiên cấp THPT vẫn chưa đạt theo yêu cầu. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chú trọng nhu cầu của người học, vì vậy đòi hỏi giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp dạy học, tức là giáo viên không những phải có trình độ về các kiến thức thực tiễn, ngoại ngữ, công nghệ thông tin mà còn phải có nhiều kinh nhiều kỹ năng sống để truyền đạt cho học sinh.
Từ nay đến năm 2020, mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên thật sự tâm huyết và có phẩm chất đạo đức và chuyên môn vững vàng là nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành. Bên cạnh việc tuyển dụng mới những giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngành GD&ĐT tiếp tục làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ theo quy định. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ đang công tác tại vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; đề xuất cơ chế, chính sách thu hút giáo viên, sinh viên giỏi về công tác tại tỉnh nhà. Việc chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, yên tâm công tác, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD&ÐT tỉnh nhà.
Thế Quang