Để những "con tàu 67" vươn khơi

(NTO) Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh ta được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phân bổ 71 tàu cá được vay vốn đặt hàng đóng mới và nâng cấp; trong đó, có 66 chiếc khai thác và 5 chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Qua 1 năm triển khai Nghị định nói trên, đến nay có 13 dự án đủ điều kiện vay vốn tín dụng đóng mới, đã được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng chi phí 104,5 tỷ đồng. Trong số đó, hiện đã có 8 dự án được ngư dân quyết tâm thực hiện, trong đó: Tp.Phan Rang–Tháp Chàm có 5 chiếc (4 chiếc vỏ gỗ, 1 chiếc vỏ sắt) và huyện Ninh Hải có 3 chiếc đăng ký đóng mới bằng vật liệu Composite. Với quyết tâm cao của các đơn vị, địa phương và chủ tàu, ngày 30-10 vừa qua, con tàu dịch vụ hậu cần đầu tiên đóng mới bằng vỏ Composite mang tên Việt Anh của ngư dân Nguyễn Đức Hải (thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, Ninh Hải) đã được hạ thủy.

Tàu dịch vụ hậu cần đóng mới bằng vỏ Composite mang tên Việt Anh
của ngư dân Nguyễn Đức Hải (ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải). Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, con tàu Việt Anh của gia đình anh Nguyễn Đức Hải là tàu hậu cần lớn nhất và được hạ thủy sớm nhất theo Nghị định 67. Tàu có công suất 500 CV, chiều dài 21m, rộng 5,8m, cao 3m, được thiết kế thành 4 phòng: Thuyền viên, thuyền trưởng, phòng bếp, khu vệ sinh; 18 hầm chứa hải sản có sức chứa trên 50 tấn. Ngoài ra, trên tàu còn được trang bị các thiết bị hiện đại như: Máy dò đứng, hải đồ, máy tầm ngắn, tầm trung, tầm dài, máy nhận dạng, định vị... đảm bảo hoạt động trên biển dài ngày.

Trước đây ở tỉnh ta, những ai có tàu từ 300CV – 400CV được xem là “có tầm cỡ”, nhưng bây giờ, chừng ấy mã lực chẳng ăn thua gì so với con tàu Việt Anh. Đưa chúng tôi ra ngắm “con tàu 67” vừa hạ thủy, anh Hải vui mừng nói: Gia đình tôi may mắn là 1 trong 3 hộ đầu tiên ở huyện Ninh Hải được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67. Mặc dù con tàu có khối tài sản lên tới 7,9 tỷ đồng, nhưng gia đình chỉ bỏ ra nguồn vốn đối ứng 5% trên tổng giá trị con tàu. Đặc biệt, trong quá trình đóng tàu, lãnh đạo huyện và cán bộ tín dụng Agribank Ninh Hải luôn quan tâm, theo sát tiến độ để giải ngân kịp thời nhu cầu của chúng tôi.

Được biết, ngoài con tàu của anh Hải đã hạ thủy, hiện nay huyện Ninh Hải còn có 18 hồ sơ đã hoàn tất thủ tục gửi về Sở NN&PTNT xin vay vốn đóng tàu mới. Trong đó, có 2 tàu của ngư dân Lê Minh Trí (thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải) và Nguyễn Văn Mười (khu phố Khánh Chử 2, thị trấn Khánh Hải) đang được Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy–Đại học Nha Trang thi công, với tổng nguồn vốn đã giải ngân gần 10 tỷ đồng. Dự kiến, cuối tháng 12-2015 cả 2 con tàu này đều được hạ thủy đưa vào khai thác.

Trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai Nghị định 67 ở địa phương, đồng chí Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết: Quá trình thực hiện Nghị định 67 bước đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để ngư dân hoàn thành các khâu từ đăng ký, đến tiếp cận nguồn vốn trong thời gian sớm nhất. Không những vậy, trong quá trình thực hiện, từ lãnh đạo huyện đến phòng NN&PTNT và cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Ninh Hải còn thường xuyên đến gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, thuyết phục để ngư dân thông, hiểu rồi tham gia chương trình. Nhờ đó, đến nay có thể nói, các khó khăn, vướng mắc của ngư dân đã được tháo gỡ kịp thời, công tác phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện được hưởng chính sách đóng tàu theo Nghị định 67 được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là chính sách lớn nhằm hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển tàu cá theo hướng vươn khơi an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có một thực tế đặt ra đó là, đa số ngư dân không đồng tình với 21 mẫu tàu đã được phê duyệt và công bố. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính, lập dự án vay vốn ngân hàng vẫn còn nhiều “nút thắt” khiến giấc mơ có “tàu 67” của nhiều ngư dân khó trở thành hiện thực. Cụ thể như ở huyện Thuận Nam, dù Nghị định 67 đã được triển khai rộng rãi tới tận người dân cả thời gian dài, nhưng đến nay mới chỉ có 2 hộ được xét duyệt hồ sơ tham gia chương trình.

Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Nam, cho biết: Việc triền khai Nghị định 67 trên địa bàn chậm là có nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần lớn là do vốn đối ứng của ngư dân chưa đáp ứng theo quy định. Bên cạnh đó, hầu hết ngư dân đều có nguyện vọng tận dụng lại trang thiết bị và ngư lưới cụ sẵn có để giảm chi phí, nhưng theo Nghị định 67 thì tất cả tàu đóng mới bắt buộc đầu tư máy thủy mới 100%, giá cao hơn rất nhiều, nên ngư dân còn chần chừ, chờ đợi thêm thông tin, chưa quyết định đầu tư như dự định ban đầu. Một nguyên nhân khách quan nữa, đó là do tập quán ngư dân địa phương trước giờ chủ yếu hành nghề vây rút chì, mành, câu mực và đánh bắt cá cơm truyền thống, nên nhiều ngư dân còn tính toán hiệu quả việc chuyển đổi nghề khai thác và khả năng hoàn trả vốn cho ngân hàng, mà chưa mạnh dạn xúc tiến việc vay vốn.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, ngày 7-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67. Theo đó, về cơ bản Nghị định 89 đã tạo thuận lợi cho ngư dân rất nhiều vấn đề, cụ thể: Trước đây, thời gian cho vay chỉ 11 năm thì nay tăng lên 16 năm, trong thời gian vay chủ tàu chỉ trả lãi suất 1%/năm, còn ngân hàng cấp bù 6%/năm. Một điểm mới nữa, đó là theo Nghị định 67 khi vay vốn, chủ tàu phải có 10% vốn đối ứng thì nay chỉ cần 5%. Ngoài ra, khách hàng có thể sử dụng máy mới hoặc máy thủy đã qua sử dụng. Đặc biệt, Nghị định 89 còn hỗ trợ ngư dân 100% chi phí thiết kế tàu, tạo điều kiện cho ngư dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc nâng cấp, đóng mới tàu.

Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay nguồn vốn giải ngân cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 không thiếu, vấn đề còn lại là làm sao các ngành, địa phương phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kịp thời trình tự thủ tục đăng ký, xét duyệt, để người dân nâng cao ý thức, hiểu rõ lợi ích mà tham gia chương trình. Bởi qua kết quả triển khai Nghị định 67 tại các địa phương Ninh Hải và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thời gian qua cho thấy, bài học kinh nghiệm rút ra đó là, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm vào cuộc một cách quyết liệt và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao của người dân thì ở đó thành công.