Nhiều ý kiến không đồng tình cho nhập tàu biển về phá dỡ

Việc nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ tại Việt Nam là nội dung nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội, ngày 11/11.

 (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng về để phá dỡ đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Việc phá dỡ tàu biển không chỉ là phá dỡ tàu biển của nước ngoài mà còn có phá dỡ tàu biển của Việt Nam; đồng thời, việc này có liên quan đến phát triển công nghiệp đóng tàu của ngành hàng hải, vấn đề an toàn, an ninh hàng hải… nên cần được quy định trong Bộ luật Hàng hải.

Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường, dự thảo Bộ luật đã được bổ sung thêm một mục về phá dỡ tàu biển để quy định chặt chẽ đối với việc phá dỡ tàu biển. Cụ thể: Bao gồm quy định về điều kiện của cơ sở phá dỡ, nguyên tắc nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, phá dỡ tàu biển nước ngoài bị chìm đắm tại Việt Nam. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như thể hiện tại dự thảo Bộ luật đã được chỉnh lý.

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ không đồng tình cho nhập tàu biển về phá dỡ. Đại biểu lo lắng việc nhập tàu biển về để phá dỡ là gây ô nhiễm môi trường rất lớn, không cẩn thận chúng ta trở thành bãi phế liệu cho thế giới.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh: “Tôi đồng tình cho phá dỡ hai loại, một là các tàu hết hạn sử dụng, hai là tàu bị đắm mà chúng ta cẩu lên, chứ tuyệt đối không nhập tàu về phá dỡ để lấy sắt vụn. Vấn đề đấy là lợi bất cập hại, Luật nên không quy định điều đó”.

Dành phần lớn thời gian phát biểu về nội dung này, đại biểu Bùi Thị An (TP. Hà Nội) đề nghị bỏ hẳn chuyện nguyên tắc nhập tàu biển đã qua sử dụng. Theo đại biểu, khi phá dỡ tàu biển sẽ rất độc hại cho những người công nhân phá dỡ cũng như cho những người xung quanh. Đại biểu phân tích, có những thứ gây chết ngay, có những thứ một ngày tích tụ, hai ngày, ba ngày, thậm chí 10 năm, 15 năm và gây ra cho con người rất nhiều các bệnh tật nguy hại, trong đó có bệnh ung thư rất quái ác.

Đại biểu nhấn mạnh: “Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hãy kiên quyết và cấm những hành vi gây ô nhiễm môi trường Việt Nam. Hiến pháp đã quy định rằng, mọi người Việt Nam đều có quyền sống trong môi trường trong lành” – đại biểu chốt lại phần phát biểu.

Ngay sau phần phát biểu của đại biểu Lê Thị An, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng kiên quyết đề nghị không cho nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ tại Việt Nam. Đại biểu phân tích, hiện nay, biển của chúng ta đang phát triển kinh tế du lịch. Việc nhập khẩu tàu cũ về phá dỡ sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cháy nổ và vùng nước đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và phát triển kinh tế trên địa bàn.

Không đồng tình với quan điểm trên, dù cũng lo lắng sẽ gây ô nhiễm môi trường, song đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, nên cho phép nhập tàu về để phá dỡ, bởi chúng ta đang rất cần tạo công ăn việc làm và cũng cần một số các nguyên vật liệu khi trong nước chưa sản xuất được. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quản lý hết sức chặt chẽ.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị phải bảo đảm nguyên tắc không ô nhiễm môi trường và Việt Nam không trở thành bãi rác thải của thế giới, phải có phí bảo vệ môi trường. Theo đại biểu, phải quy định rõ nghĩa vụ tái xuất và trách nhiệm của các cơ quan hải quan khi giám sát việc này.

Chốt lại phần thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là vấn đề mà trong năm 2014, khi Quốc hội xem xét thông qua Luật Bảo vệ môi trường thì cũng ý kiến khác nhau, trao đổi, tranh luận gay gắt. Nhưng cuối cùng vẫn thống nhất là cho phép việc để nhập khẩu tàu biển và phá dỡ tàu biển nhưng với điều kiện quy định rất cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm không gây tác hại đến môi trường. “Đến hôm nay, các vị đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nên xem xét, cân nhắc thật thận trọng vấn đề này. Cũng có ý kiến đề nghị cần thiết phải sửa đổi điều đó của Luật Bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội khi xem xét thông qua” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam