Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước

(NTO) Trong số gần 2.200 doanh nghiệp (DN) hoạt động trên toàn tỉnh, chỉ có 124 DN có tổ chức công đoàn, trong đó 118 DN ngoài khu vực Nhà nước. Không những thấp về số lượng, chất lượng hoạt động của đa số tổ chức công đoàn tại các DN ngoài khu vực nhà nước vẫn chưa đủ mạnh để làm tốt vai trò, chức năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, chăm lo đời sống cho người lao động (NLĐ).

Tp. Phan Rang-Tháp Chàm là nơi tập trung nhiều DN nhất của cả tỉnh nhưng hiện nay chỉ có 68 DN có tổ chức công đoàn. Trừ 10 CĐCS mới thành lập chưa đánh giá được, số ít hoạt động hiệu quả, còn lại hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức. Một hạn chế khá phổ biến của nhiều CĐCS đó là chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức, hướng dẫn cho chủ DN và NLĐ thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể. Hằng năm, chỉ có khoảng 50% DN có tổ chức công đoàn thực hiện công tác này. Cán bộ công đoàn cũng chưa mạnh dạn tham mưu, đề xuất chủ DN về các chế độ, chính sách ưu đãi, chính đáng có lợi cho NLĐ nên chất lượng các thỏa ước lao động tập thể không cao, vì vậy thu nhập của NLĐ chưa được cải thiện nhiều. Ngoài ra, hầu hết các CĐCS rất ít khi tham gia vào các hoạt động, phong trào do công đoàn cấp trên phát động...

Cần quan tâm hơn những người lao động làm việc trong môi trường độc hại

Lý giải về vấn đề này, đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Hiện nay, 100% cán bộ CĐCS đều làm công tác kiêm nhiệm. Công việc chuyên môn vốn đã vất vả, hầu như chiếm hết thời gian nên các phong trào, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ít khi được quan tâm tổ chức. Ngoài vấn đề về năng lực, cán bộ công đoàn đều là người làm công ăn lương, phụ thuộc vào chủ DN. Mối quan hệ giữa tổ chức CĐCS với chủ DN khó đảm bảo sự bình đẳng khi giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Trên thực tế, họ luôn ở thế yếu, không dám thẳng thắn lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ vì sợ bị chủ DN sa thải. Chính vì vậy, vai trò của đa số tổ chức công đoàn ở các DN ngoài khu vực Nhà nước còn rất mờ nhạt.

Ngoài những hạn chế kể trên, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 22 CĐCS đã ngưng hoạt động. Đơn cử trong số đó như Công ty TNHH TM&XD Sơn Long Thuận, Công ty Xây dựng Lưỡng Bằng… đây là những DN có nhiều lao động. Lý do mà lãnh đạo các CĐCS đưa ra chính là do tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị thua lỗ; thu nhập thấp nên nhiều công đoàn viên nghỉ việc. Nhân viên mới đến làm việc vài ba tháng lại nghỉ… Đội ngũ lao động thay đổi liên tục nên khó có thể vận động họ gia nhập vào tổ chức công đoàn cũng như các phong trào ở cơ sở… Tuy nhiên, theo lãnh đạo LĐLĐ thành phố, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này chính là do cả cán bộ công đoàn và cả chủ DN đều không quan tâm đến hoạt động công đoàn. Bởi khi nhận thấy hoạt động yếu kém của tổ chức công đoàn, LĐLĐ thành phố đã tổ chức đoàn đến để nắm rõ tình hình, đời sống NLĐ, từ đó có hướng tham mưu, kiến nghị giải pháp giải quyết hợp lý bảo đảm hoạt động của tổ chức công đoàn, cũng như góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa DN và NLĐ nhưng cả cán bộ công đoàn cũng như chủ DN viện ra nhiều lý do từ chối. Điều này còn đồng nghĩa các chế độ, quyền lợi của NLĐ tại các DN này không đuợc bảo đảm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều CĐCS tại các DN ngoài khu vực Nhà nước hiện nay.

Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức công đoàn ở các DN ngoài khu vực Nhà nước là một vấn đề cần được quan tâm. Trong khi chúng ta chưa có đủ điều kiện bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ngay tại cơ sở thì cần thiết phải có “công cụ” pháp lý và cơ chế phù hợp để bảo hộ cán bộ công đoàn trong các trường hợp bị chủ DN sa thải, giúp họ phát huy tốt vai trò của mình khi giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Nhất là tại các DN có đông lao động hoặc có tính chất công việc nguy hiểm, độc hại như các DN ngành xây dựng, môi trường…

Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng hoạt động cho các CĐCS, ngoài nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn, LĐLĐ tỉnh cần tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, thực hiện các biện pháp chế tài đối với những trường hợp vi phạm; đồng thời tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật, nhận thức cho chủ DN và NLĐ. Từ đó, giúp chủ DN thực hiện quy định pháp luật lao động, các chế độ, chính sách hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống cho NLĐ; đồng thời cũng giúp NLĐ nắm vững quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho chính mình.