Góp xanh cho lá

Tên của một bài thơ làm tựa đề cho cả tập thơ của Hậu Cốc Ngang được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành mới ra mắt bạn đọc, đó cũng là tập thơ thứ 5 của anh được xuất bản trong khoảng năm, mười năm trở lại đây.

“Góp xanh cho lá” có nghĩa là làm đẹp cho đời, không chỉ ở môi trường thiên nhiên, mà quan trọng hơn là giữa con người với con người lại càng phải tốt đẹp hơn với nhau, đó chính là điều mà Hậu Cốc Ngang muốn gởi gắm:

Lá tìm nắng ướp xanh màu

Dẫu đời lá hiểu mùa sau úa tàn

Đất trời còn hợp còn tan

Bão giông qua, lại mây ngàn trắng bay

Sao tình không phát quang say

Góp phần cho lá ủ đầy sắc xanh.

Nhà thơ Kim Chuông-người viết lời giới thiệu cho tập thơ “Góp xanh cho lá” của Hậu Cốc Ngang có nói một câu mà tôi cho là chí lý:

… “Thật không thể nghi ngờ gì nữa. Muốn biết ai đó có thực sự là thi sĩ hay không, xin hãy đọc đôi ba câu lục bát của họ. Bởi, lục bát là lửa thử vàng. Là “cửa ải” không dễ vượt qua cho ai đó cầm bút non tay!”

Tất nhiên, tập thơ “Góp xanh cho lá” không chỉ được viết bằng lục bát mà còn nhiều thể thơ khác mà Hậu Cốc Ngang là tác giả có ý thức cao trong việc chắt lọc, chọn lựa một cách kỹ càng để người đọc không hụt hẫng khi đọc trọn tập thơ, nhưng nếu nói riêng về thể thơ lục bát thì đó là những chùm thơ mà Hậu Cốc Ngang đã đoạt giải A của cuộc thi thơ lục bát tầm quốc gia, tương tự như nhà thơ Đỗ Quang Vinh quen thuộc với bạn đọc thơ cả nước từ vài chục năm trước đây cũng ở thể thơ này. Nói thêm sự thực ấy để thấy lực lượng thơ ở Bình Thuận cũng đáng trọng, cho dù mới đây Hậu Cốc Ngang chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, và cũng chỉ vài tháng sau là anh được kết nạp vào Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh.

Hãy đọc những câu thơ lục bát không chỉ nhuần nhuyễn vần điệu mà nặng trĩu trách nhiệm với thơ, với đời mà Hậu Cốc Ngang thể hiện:

…Tưởng câu chữ chẳng biết đau

Vò thơ cho đến nát nhàu tả tơi

Đuổi theo khát vọng đầy vơi

Khiến ta nghẹt thở hụt hơi giữa đường…

(Tìm)

Là một người lính, hơn thế, anh còn là một thương binh, không kể những lúc trái gió, trở trời, chứng kiến cảnh đau nhức của anh, tôi không thể không xúc động khi anh còn phải bươn chải kiếm sống trên quê hương Bình Thuận suốt 40 năm, gần cuối cuộc đời mới vào với con ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nhờ sống nhiều, trải nghiệm nhiều mà thơ Hậu Cốc Ngang đọc lên là thấy nỗi niềm, là thấy tâm trạng:

Sao đành lấy héo bỏ tươi

Để cho môi nở nụ cười đớn đau…

Vâng! “Góp xanh cho lá” cũng chính là làm đẹp cho đời, làm đẹp cho người mà Hậu Cốc Ngang muốn gửi gắm.