Tuy nhiên tình hình số ca mắc SXH được phát hiện vẫn còn tiếp tục tăng cao, số bệnh nhi mắc SXH nằm điều trị tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh hàng ngày giao động từ 10 – 15 ca. Sở Y tế đã có văn bản 3120/SYT-NVY ngày 08-10-2015 chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống SXH, bệnh Tay chân miệng với mục tiêu khống chế số ca mắc, chết do 2 bệnh nêu trên. Các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai công tác phòng chống SXH tại cộng đồng.
Để phòng SXH có hiệu quả, đề nghị thực hiện đồng bộ 3 giải pháp :
1. Đồng loạt ra quân làm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, đây là biện pháp hiệu quả nhất và dễ làm. Triệt phá ngay tất cả những nơi đọng nước, chỗ chứa nước không sử dụng trong nhà như: úp lu, chum, vại không sử dụng, dọn sạch nơi nước đọng, thay nước bình hoa, cọ súc lu, hồ, thùng chứa nước hàng tuần để diệt sạch trứng muỗi và lăng quăng; đậy kín các vật dụng chứa nước lưu trữ hoặc thả cá nhỏ vào, bỏ muối vào các chén nước kê chân tủ thức ăn. Dọn sạch bụi rậm quanh nhà, lấp hoặc khơi thông các ổ nước đọng.
2. Phòng muỗi đốt (chích) người: Dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, không treo mắc áo quần vương vải khắp nhà; xua đuổi muỗi bằng nhiều biện pháp: xông nhang muỗi, vợt điện, phun thuốc trừ muỗi, thoa thuốc chống muỗi; mặc áo quần dài để tránh bị muỗi đốt, nhất là các em học sinh thức học đêm. Trẻ em luôn cho ngủ mùng dù là ban ngày.
3. Phát hiện bệnh SXH sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ của Bộ Y tế: kinh nghiệm cho thấy trẻ đang chơi bỗng sốt cao đột ngột, liên tục không hạ sốt khi dùng thuốc paracetamol, sốt kéo dài 2-3 ngày là có khả năng mắc SXH, nên đưa trẻ đi khám bệnh, thực hiện theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc trong điều trị và chăm sóc, đưa bệnh nhân nhập viện ngay khi có một vài dấu hiệu như: chảy máu răng, máu mũi, mệt đừ, lạnh chân tay, đau bụng, nôn ói nhiều, ói máu, cầu phân có máu hoặc phân đen,... Không được tự ý điều trị SXH vì có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm, không hồi phục.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Ninh Thuận