Cần quan tâm hơn đến xây dựng Đảng về đạo đức

Dự thảo Báo cáo chính trị trong mục “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng” đã nêu nhiệm vụ “Đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Đây là lần đầu tiên Đảng ta đưa đạo đức cùng với chính trị, tư tưởng, tổ chức cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng. Các Đại hội trước đây thường chỉ xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề nêu trên và xin đề xuất thêm một số điểm.

- Đạo đức là những chuẩn mực giá trị được hình thành một cách khách quan trong xã hội, có tác dụng chi phối hành vi của con người. Bác Hồ đã coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Bác khẳng định con người không có đạo đức thì không làm nổi việc gì; làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì làm sao làm nổi; làm sao lãnh đạo được nhân dân. Về tổ chức, Bác Hồ dạy, Đảng ta là đạo đức, là văn minh và phải là Đảng đạo đức, Đảng văn minh. Như vậy, vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng phải coi là vấn đề rất quan trọng, phải được quan tâm đúng mức trong tất cả các giai đoạn cách mạng.

- Xây dựng Đảng về đạo đức có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chính trị của Đảng Cộng sản là gì nếu không phải là vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chủ nghĩa Mác – Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân đã xác định mục tiêu đấu tranh của giai cấp công nhân là giải phóng giai cấp mình và giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột. Nhờ lý tưởng cao cả đó mà biết bao chiến sỹ cộng sản đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Bác Hồ đã khẳng định, mục đích cao nhất của Đảng Lao động Việt Nam nói gọn gồm tám chữ là “ Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Trung với nước hiếu với dân là một phẩm chất đạo đức, đồng thời là lý tưởng chính trị của những chiến sỹ cộng sản chân chính. Về tư tưởng, trong tư tưởng có tư tưởng đạo đức. Tư tưởng đạo đức không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn về các giá trị đạo đức, mà còn chi phối hành vi đạo đức của mỗi người. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng, không thể không quan tâm đến xây dựng tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Về tổ chức, xây dựng Đảng về tổ chức để Đảng trở thành một khối thống nhất, trăm người như một, “lúc thường cũng như lúc chiến đấu”. Để tạo nên một tổ chức như vậy, không chỉ quan tâm đến các nguyên tắc, mà quên đi giáo dục tình thương, đạo đức, lẽ phải. Trong bản Di chúc bất hủ của mình, Bác Hồ đã viết “phải có tính đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Rõ ràng, yếu tố đạo đức, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về đạo đức đã nằm trong tất cả các hoạt động xây dựng Đảng, trong mục tiêu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

- Về thực tiễn, xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay đang nổi lên, trở thành một vấn đề cấp bách. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng và chưa ngăn chặn, đẩy lùi được là một thực tế, cần nhìn thẳng vào thực tế đó, không lần tránh để có giải pháp khắc phục. Có nguyên nhân chủ quan nào của thực trạng trên nằm trong sự chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng Đảng về đạo đức trong công cuộc đổi mới 30 năm qua không. Trong văn kiện các đại hội trước đây chưa đặt mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức cùng hàng và ngang tầm với các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức. Có thể coi đó là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng suy thoái nêu trên.

- Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã xác định một trong những giải pháp xây dựng Đảng về đạo đức là “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Đây là chủ trương rất quan trọng và cần thiết, được Đảng ta đã đề ra từ Hội nghị Trung ương 12 khóa IX, đã thể hiện trong Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X và đặc biệt trong Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI. Từ thực tế triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03-CT/TW, xin có một số kiến nghị cụ thể như sau:

Một là, phải đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức trong nội dung, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” hiện nay. Để xây dựng được xã hội mới trên đất nước ta, không thể chỉ quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của xã hội mới, dù rằng đấy là cái chúng ta đang rất thiếu, mà xao nhãng việc xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần, văn hóa của xã hội. Làm sao có xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”, gia đình hạnh phúc dù có “nhà cao cửa rộng”, khi suy thoái về đạo đức, băng hoại về lối sống cứ tiếp diễn mãi, không ngăn chặn được. Một thực tế khác, khi so sánh hai quá trình này cho thấy, yêu cầu xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần văn hóa trong Đảng và xã hội cần được quan tâm hơn. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội diễn ra trong cơ chế thị trường và nền kinh tế nhiều thành phần. Vì vậy, bằng cơ chế, chính sách và động cơ lợi nhuận, có nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước thông qua các hợp đồng BT, BOT tham gia. Còn xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần văn hóa cho xã hội mới trên đất nước ta là nhiệm vụ của toàn dân tộc ta, của Đảng ta. Với Đảng, ngoài trách nhiệm tự thân trở thành đảng đạo đức, còn trách nhiệm lãnh đạo toàn dân tộc. Không ai làm thay chúng ta, làm hộ chúng ta và hơn nữa, kinh tế thị trường có khả năng làm nảy sinh chủ nghĩa thực dụng, tác động rất mạnh đến đạo đức xã hội. Đảng phải tự mình nhận thức đúng vấn đề này và tổ chức, lãnh đạo nhân dân xây dựng đạo đức, lối sống, đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn và kiên quyết thực hiện.

Hai là, giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng đạo đức trong Đảng và xã hội ta hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó bao hàm tư tưởng đạo đức, văn hóa; tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mẫu mực của một người Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới; phong cách Hồ Chí Minh với đặc trưng gần dân, thân dân là những biểu hiện nổi bật nhất của văn hóa, đạo đức, tinh thần Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay là sự nghiệp xây dựng văn hóa. Nghị quyết 33-NQ/TW được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã khẳng định sự cần thiết xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong quá trình phát triển đất nước, đề ra các giải pháp, trong đó có giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có thể cần đổi mới cách làm để nâng cao hiệu quả thực hiện, nhưng cần khẳng định sự cần thiết tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.

Ba là, thực hiện tốt phương châm xây đi đôi với chống trong học tập và làm theo Bác.

Đồng tình với những đề xuất trong dự thảo Báo cáo chính trị về học tập và làm theo Bác những năm tới, chúng ta cũng cần nhấn mạnh phương châm “nói đi đôi với làm”, “xây đi đôi với chống”. Mục đích của cuộc vận động những năm 2007-2010 trước đây và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW hiện nay yêu cầu sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Và để tạo nên sự thống nhất đó, chúng ta phải không ngừng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, đồng thời với tổ chức làm theo Bác. Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, đưa việc học tập và làm theo Bác thành công việc thường xuyên vẫn cần tuyên truyền, vận động, nhưng phải nhấn mạnh hơn vai trò của tổ chức. Đưa học tập và làm theo Bác vào nội dung xây dựng Đảng là xác định trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập và làm theo Bác. Đã là trách nhiệm thì phải làm, ngoài sự tự giác còn có những quy định, các biện pháp chế tài của tổ chức. Tổ chức đảng động viên, khích lệ, tạo điều kiện, đi kèm với kiểm tra, giám sát, khen thưởng, thi hành kỷ luật… trong việc thực hiện trách nhiệm đó của mỗi cán bộ, đảng viên từ lãnh đạo cấp cao đến cơ sở. Làm như vậy không chỉ động viên những người tích cực, nêu gương, mà còn răn đe, cảnh tỉnh những người không thành thực, nói không đi đôi với làm trong học tập và làm theo Bác. Theo tôi, đây cũng là bài học thành công và chưa thành công trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW những năm qua.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam