Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chức danh, vị trí việc làm

(NTO) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) là một trong những nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC). Xét đến cùng, thước đo kết quả của CCHC được thể hiện qua phương thức, cách thức, kết quả giải quyết công việc đối với công dân, tổ chức. Năng lực của mỗi CBCC sẽ hợp thành năng lực của nền công vụ. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC có ý nghĩa trực tiếp và lâu dài đối với công cuộc CCHC, chất lượng nền công vụ.

 
Cán bộ phường Mỹ Hương giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh Văn Miên

Để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC thì công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC là một trong những giải pháp căn bản nhất, trong đó đào tạo, bồi dưỡng CBCC theo chức danh, vị trí việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Đào tạo theo chức danh, vị trí việc làm có những điểm khác biệt với những ưu thế riêng so với đào tạo, bồi dưỡng CBCC theo cách truyền thống; là quá trình phát triển năng lực cho CBCC, xây dựng và phát triển những năng lực mà một chức danh, một vị trí việc làm cần phải đáp ứng, tạo được sự thay đổi về chất trong toàn bộ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Do vậy, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng theo hướng linh hoạt hơn, bảo đảm trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng mà học viên còn thiếu, những năng lực mà học viên cần. Việc tổ chức đào tạo cũng có sự thay đổi chủ động, linh hoạt, với thời gian đào tạo ngắn hơn ở mỗi khóa học, nhưng có thể thực hiện đào tạo nhiều lần để cập nhật thường xuyên kiến thức, kỹ năng, xây dựng năng lực thích ứng. Phù hợp với phương châm: học tập suốt đời trong thời đại kinh tế tri thức, khi mà mỗi cá nhân cần xây dựng cho mình năng lực thích ứng với mọi sự thay đổi ngày càng cao của xã hội. Phương thức đào tạo cần có sự thay đổi, không chỉ là sự truyền đạt kiến thức một chiều mà còn tạo ra cơ hội để CBCC cùng chia sẻ, thảo luận, làm việc theo nhóm, qua đó thấy được những thiếu hụt trong kiến thức, kỹ năng để giải quyết công việc-từ đó tìm ra nội dung cần bổ khuyết. Để có sự chia sẻ hiệu quả, giảng viên sẽ không chỉ là những giảng viên giảng dạy lý thuyết mà còn có những giảng viên kiêm chức, những người có kinh nghiệm thực tiễn. Sự kết hợp giữa giảng viên lý thuyết và giảng viên thực tiễn sẽ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề cần quan tâm, bảo đảm nâng cao năng lực làm việc cho CBCC.

Đào tạo theo chức danh, vị trí việc làm là một quá trình không đơn giản. Bởi lẽ, hiệu quả đào tạo chỉ có ý nghĩa khi quá trình đào tạo, bồi dưỡng tìm ra đúng khoảng trống về năng lực để bổ sung kịp thời cho CBCC. Để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

-Cần thay đổi nhận thức về đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Đào tạo, bồi dưỡng phải là quá trình phát triển năng lực nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ.

- Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo. Nội dung đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu đào tạo, đánh giá về sự thiếu hụt năng lực của CBCC theo chức danh, theo vị trí việc làm. Về tổng thể, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng có tính động. Bên cạnh những năng lực cơ bản cần bảo đảm đối với tất cả CBCC thì phải có nội dung bổ sung những năng lực mà thực tiễn đặt ra đối với mỗi chức danh, mỗi vị trí việc làm. Đồng thời, vấn đề lý luận cần được làm sáng tỏ bằng thực tiễn và vấn đề thực tiễn được giải quyết bằng cơ sở lý thuyết vững chắc.

- Đổi mới việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Cần xây dựng được bản mô tả công việc cụ thể đối với từng chức danh, từng vị trí việc làm. Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CBCC theo chức danh, theo vị trí việc làm phải trên cơ sở nhận thức rõ những nền tảng mà CBCC đã có, những điểm khuyết, thiếu trong kiến thức, kỹ năng mà chức danh, vị trí việc làm đó yêu cầu. Việc đào tạo, bồi dưỡng chỉ có nhiệm vụ bổ sung khoảng trống về kiến thức, kỹ năng đó chứ không lặp lại những gì mà CBCC đã biết, đã có. Xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ năng lực về lý thuyết và năng lực thực tiễn, tạo mạng lưới rộng khắp để triển khai có kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC. Đây là nội dung quan trọng trong đào tạo theo chức danh, vị trí việc làm. Giảng viên cần thực sự là những người am hiểu về tất cả các yêu cầu đặt ra đối với các vị trí, chức danh; thấy được những năng lực cần phải bảo đảm cho vị trí, chức danh đó.

- Triển khai toàn diện, có kết quả theo các yêu cầu đặt ra theo Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5-3-2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức, Quyết định 1374/QĐ-TTg ngày 12-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC giai đoạn 2011-2015. Đồng thời cần có khung thể chế khuyến khích CBCC học tập, cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của CBCC trong việc lựa chọn chương trình, địa điểm, thời gian tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với hoàn cảnh, vị trí công tác.

Đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm là cách tiếp cận phù hợp để nâng cao năng lực thực thi công vụ. Đồng thời, cần kết hợp với việc nâng cao hiệu quả quản lý thực thi công vụ, đánh giá hiệu quả công việc, tạo động lực để CBCC không ngừng nâng cao trình độ, năng lực làm việc-đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của quản lý hành chính nhà nước, để hành chính nhà nước thực sự là động lực cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.