Thế giới trong tuần

1. Cả châu Âu đang đối mặt với làn sóng tị nạn lớn chưa từng có. Hàng trăm nghìn người ồ ạt đổ vào châu Âu trong những tháng qua đang trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với lục địa già. Những con số thống kê mới được công bố ngày 19-8 lại một lần nữa cho thấy, cuộc khủng hoảng này thực sự là một gánh nặng đối với châu Âu.

Thế giới chứng kiến một mùa hè nóng kỷ lục trong năm nay.

Theo cơ quan Biên giới châu Âu, số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu trong tháng 7 đã tăng lên mốc kỷ lục hơn 107.000 người. Như vậy chỉ trong 7 tháng năm 2015, số người nhập cư vào châu lục này đã lên đến 340.000 người, tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái.

Trong số các quốc gia châu Âu, Đức đang là điểm đến lý tưởng nhất của những người nhập cư. Ước tính sẽ có khoảng 750.000 người nộp đơn xin tị nạn tại Đức trong năm nay. Anh và Pháp cũng đã công bố các biện pháp mới ngăn chặn nạn nhập cư trái phép thông qua đường hầm eo biển Manche, theo đó sẽ thiết lập một trung tâm chỉ huy tác chiến tại thị trấn cảng Calais của Pháp.

2. Năm 2015 được dự báo là năm mà lịch sử loài người chịu tác động nặng nề nhất từ hiện tượng khí hậu El Nino.

Đó là nhận định mới đây của Ngân hàng phát triển châu Á. Theo đó, nắng nóng cực điểm tại Ấn Độ và Pakistan, hạn hán trên diện rộng tại Campuchia, Indonesia và Việt Nam vừa qua đều là hệ quả của hiện tượng nước biển ấm dần lên. Theo các nhà khí tượng học, năm 2015 đã chính thức trở thành năm nắng nóng nhất trong lịch sử. Châu Á sẽ trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Và trong những năm tới, tình trạng hạn hán sẽ diễn ra thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lương thực.

Hiện tượng El Nino tồi tệ nhất được ghi nhận là vào giai đoạn 1997-1998. Khi đó nó được cho là nguyên nhân gây ra trận lũ lụt kinh hoàng dọc sông Dương Tử của Trung Quốc khiến 1.500 người thiệt mạng.

3. Cơ chế Bình ổn Châu Âu (ESM) đã thông qua gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp ngày 19-8, qua đó “mở khóa” khoản giải ngân đầu tiên trị giá 13 tỷ euro cho Athens chỉ một ngày trước khi quốc gia Nam Âu này phải thanh toán khoản nợ 3,2 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

ESM khẳng định: “Bam Giám đốc ESM đã quyết định về chương trình ESM dành cho Hy Lạp”. Cụ thể cơ quan bao gồm các bộ trưởng tài chính của 19 nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này đã phê chuẩn đề xuất về một thỏa thuận với Hy Lạp, theo đó, ESM sẽ cung cấp viện trợ tài chính trị giá tới 86 tỷ euro cho Hy Lạp trong thời gian 3 năm. Ban Giám đốc ESM cũng thông qua một Biên bản ghi nhớ với Athens, nêu cụ thể các biện pháp chính trị mà chính phủ Hy Lạp đã nhất trí tiến hành để giải quyết những thách thức chủ yếu mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt.