Bệnh sởi là gì?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Về cơ bản đây là một bệnh lành tính vì thông thường, hệ miễn dịch của con người sẽ tự loại bỏ virus sởi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Khi bé yêu bị sởi, chỉ cần cho bé uống thật nhiều nước, vitamin, ăn uống thanh mát, không uống kháng sinh. Các biến chứng nặng của sởi là do cơ thể thiếu đề kháng và kiêng cữ không đầy đủ.
Về cơ bản sởi là một bệnh lành tính vì thông thường, hệ miễn dịch của con người sẽ tự loại bỏ virus sởi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Các biến chứng nặng của sởi là do cơ thể thiếu đề kháng và kiêng cữ không đầy đủ. (Ảnh minh họa)
Triệu chứng của bệnh sởi:
Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường xuất hiện trong vòng 4-10 ngày sau khi bé bị nhiễm virus sởi , bao gồm:
- Các triệu chứng giống như cảm cúm: chảy nước mũi, nước mắt; mi mắt sưng phồng, hắt hơi sổ mũi.
- Mắt đỏ và quá nhạy cảm với ánh sáng.
- Sốt cao, có thể lên tới 40 độ.
- Mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Đau mỏi người, khóc quấy
- Ho khan.
- Nội ban (hạt Koplik): các hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà/xám, quanh có viền đỏ, thường thấy xuất hiện nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Chán ăn.
- Sau vài ngày, các vết ban màu đỏ nâu sẽ xuất hiện
Lưu ý: ban sởi là dạng ban xuất hiện có trình tự, từ quanh tai lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 gờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày thứ hai đến ngày thứ ba của bệnh. Khi kết thúc nổi ban, ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da. Các bệnh có phát ban khác thường phát ban không theo thứ tự.
Nguyên nhân gây bệnh sởi
Thông thường, mỗi người chỉ 1 lần bị bệnh sởi, chính vì thế trẻ em từ 1- 4 tuổi rất dễ gặp phải vì lúc này hệ miễn dịch của các bé chưa hoàn chỉnh, đối với các bé dưới 6 tháng tuổi vì có hệ miễn dịch từ sữa mẹ nên khả năng mắc bệnh rất thấp, còn người lớn khi đã bị bệnh từ bé thì lớn lên thường không mắc phải căn bệnh này nữa.
Thông thường, mỗi người chỉ 1 lần bị bệnh sởi, chính vì thế trẻ em từ 1- 4 tuổi rất dễ gặp phải vì lúc này hệ miễn dịch của các bé chưa hoàn chỉnh. (Ảnh minh họa)
Bệnh sởi hình thành do virus siêu vi sởi nằm ở mũi và họng của người bệnh, chính vì thế nó rất dễ lây lan từ người này qua người khác bằng hai cách:
- Cách 1: Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho,… thì virus gây bệnh sẽ theo ra ngoài không khí bằng những giọt nước nhỏ xíu, người khác vô tình hít vào sẽ bị lây nhiễm.
- Cách 2: Những giọt nước đó bị vương vào đồ đạc xung quanh, chỉ cần bạn sờ vào những đồ đạc ấy và đưa tay lên mũi, miệng thì bạn cũng sẽ bị lây bệnh. Trên 90% người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây nhiễm nếu chưa được tiêm phòng virus bệnh sởi đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch bị tổn thương thì nguy cơ càng cao hơn.
Cách chăm sóc trẻ khi bị sởi
- Thường xuyên rửa mặt, lau mồm cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ. Lau người cho trẻ hàng ngày bằng khăn sạch, mềm.
- Kiêng gió, kiêng bẩn, cách ly trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa.
- Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…
- Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước hoa quả. Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào… sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
- Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6-8 cốc nước/ngày để giảm thiểu tình trạng mất nước của cơ thể. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.
- Nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày.
- Nếu trẻ không bị biến chứng thì tuyệt đối không dùng kháng sinh, chỉ nên dùng B1, vitamin C liều cao.
- Nếu trẻ bị biến chứng khi liên tục bị sốt nên hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện uy tín để theo dõi và điều trị.
Cách phòng ngừa bệnh sởi
Tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi là biện pháp chủ động để ngừa bệnh sởi. (Ảnh minh họa)
- Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn.
- Tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Đây là biện pháp chủ động để ngừa bệnh sởi.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại