Chuyện tặng quà

(NTO) Trong quan hệ con người với nhau thì việc tặng, cho một món quà là hết sức bình thường. Giá trị món quà về vật chất có thể không lớn nhưng đó là tình cảm, là tấm lòng chân thành, có khi là sự kính trọng của người tặng đối với người nhận. Vậy nên ông bà ta dạy, tặng cho cái gì không quan trọng bằng tặng cho như thế nào. Câu chuyện sau về việc tặng cho đối với người có công với nước góp suy ngẫm thêm về văn hoá ứng xử của mỗi người qua việc “đền ơn, đáp nghĩa” cho cuộc sống ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn.

Anh bạn tôi vốn trầm tính, chưa bao giờ nói chuyện về nơi mình công tác hoặc nơi gia đình cư trú. Thế nhưng thứ bảy vừa rồi, gặp nhau hắn nói một hồi cứ như bản thân là nhân vật chính trong câu chuyện. Sự thể là việc bà cụ nhà bên cạnh năm nay tuổi tám mươi, tám mốt gì đó vui như trẻ thơ bởi lần đầu kể từ lúc cụ ông "quy tiên" mẹ được nhận quà nhân dịp 27-7. Cụ ông vốn là thương binh, tham gia cách mạng trước tháng 8 năm 1945, suốt hai thời kỳ kháng chiến công tác tại Ninh Thuận, đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Bằng có công với nước, Huân chương độc lập, Huân chương kháng chiến, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Hồi cụ ông còn sống năm nào cũng vậy, dịp tết nguyên đán, ngày 27-7, các cơ quan tới thăm tặng quà, cụ và gia đình mừng lắm. Thế rồi bẵng đi hơn chục năm kể từ ngày cụ ông ra đi ít có người tới thăm nom nữa. Năm nay, kỷ niệm 68 năm Ngày thương binh, liệt sĩ có đoàn lãnh đạo, cấp uỷ, công đoàn cơ quan (nơi con cụ công tác) đến tặng quà, thăm hỏi, chúc cụ sống vui - sống khoẻ. Cụ móm mém nói với bà con lối xóm: Thời kháng chiến tôi tham gia sản xuất và du kích xã, nuôi con cho ông ấy đi đánh giặc, giờ ông ấy không còn nhưng Đảng, Nhà nước vẫn nhớ đến gia đình tôi, vinh dự lắm! Thế rồi anh bình luận: Đó không thuần tuý chỉ là “đền ơn, đáp nghĩa” mà còn là liều thuốc quý báu giúp cụ sống vui, sống khoẻ mỗi ngày và tiếp thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nghe anh kể xong câu chuyện tôi bỗng thấy chạnh lòng, bởi cũng bà mẹ (khoảng 78, 79 tuổi) cùng xóm gia đình tôi ở là gia đình có công với cách mạng. Chỉ cách đây ít ngày, trên đường đi làm về bắt gặp mẹ ngồi bệt bên đường, tôi dừng xe hỏi “sao cụ ngồi đây giữa trưa nắng thế này?”. Mẹ nói: “Mấy ông xã mời ra uỷ ban nhận quà ngày 27-7!”.

Đất nước thanh bình đã hơn bốn mươi năm, mỗi người dân Việt Nam không ai quên công lao của biết bao thế hệ với hàng triệu lượt người đã quên mình cho độc lập, tự do của dân tộc. Vì thế, các cuộc vận động như “Đền ơn, đáp nghĩa”, nhận chăm sóc phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, chăm sóc “Thương binh nặng”… đã trở thành phong trào lớn được mọi người tham gia tự giác với lòng tri ân sâu sắc người có công với nước. Trong mỗi dịp lễ, tết, nhất là ngày 27-7 lãnh đạo tỉnh, huyện phân công nhau tới những người, gia đình có công tiêu biểu để tặng quà, thăm hỏi động viên tỏ lòng tri ân đối với họ. Đó không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người đã vì độc lập, tự do của đất nước mà còn là truyền thống văn hoá, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Có thể vẫn còn ai đó tặng quà, giúp đỡ người có công với cách mạng, với nước theo kiểu từ thiện xin nhớ đến văn hoá tặng - cho mà cha ông ta đã xây dựng nên. Và hơn nữa, chúng ta xem như mình đang “nợ” họ phải cư xử sao cho những người, gia đình có công với cách mạng, có công với nước luôn luôn tự hào vì bản thân, gia đình mình đã góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.