Vấn đề hôm nay:

Thừa và thiếu!

(NTO) Có thể nói, một trong những thành quả quan trọng trong công tác chống hạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra đó là tỉnh ta đã thực hiện tốt tinh thần “3 không”: Không để dân khát, không để dân đói, không để xảy ra dịch bệnh” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời còn thực hiện hiệu quả việc giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi...) và đời sống cho người dân vùng hạn. Nhìn vào con số với gần 9.000 hộ và gần 44.000 nhân khẩu phải trực tiếp chịu tác động của hạn hán mới thấy được đầy đủ ý nghĩa của những thành quả nêu trên, đặc biệt là rất kịp thời trong việc cấp nước hàng ngày, cũng như trợ cấp lương thực đến từng hộ dân, chưa có trường hợp nào phải “đứt bữa” do thiếu gạo cả, thậm chí còn quá thừa là đằng khác.

Người dân vùng hạn xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ. Ảnh: Sơn Ngọc

Gọi là thừa cũng không sai, bởi lẽ ngoài “kênh” lương thực Chính phủ hỗ trợ theo định mức thì còn các “kênh” khác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tài trợ.

Một số người quen của tôi sau khi làm công tác từ thiện ở một xã của huyện Thuận Nam về than phiền:- Qua việc tặng quà (gồm gạo, thực phẩm) nhiều bà con cảm động lắm vì đã “giúp ngặt” góp phần để bà con vượt qua khó khăn tạm thời, nhanh chóng ổn định cuộc sống trong lúc bị thiên tai. Thế nhưng cũng có bà con lại “càm ràm”: - Sao không chuyển từ gạo, thực phẩm thành tiền cho gọn, khỏi phải đem bán lại cho tiệm tạp hóa!... Mình nghe mà buồn, bởi sự cứu trợ này không mấy ý nghĩa với một số người. Không chỉ có những người quen của tôi than phiền mà có cán bộ ở không ít xã miền núi cũng phản ảnh tương tự. Đó là, tại gần điểm cấp phát gạo cứu trợ thì có ngay “đại lý” thu mua lại với giá chỉ bằng phân nửa giá thực tế!. Người dân bán lại nại ra lý do là nhà nhiều gạo nên bán bớt lấy tiền chi tiêu nhưng thực chất là mua rượu, bia để uống thay vì chi dùng vào những việc hữu ích hơn!. Biết vậy, nhưng chẳng lẽ đưa họ ra ngoài danh sách cứu trợ!.. Đáng nói là sau năm bữa, nửa tháng gạo hết phải chạy đến “đại lý” kia để mua lại chính gạo đã bán với giá gấp đôi. Thật hết biết.

Rõ ràng, do không biết tính toán “ăn nay chừa mai” nên một số bà con đã để sự “thừa”, “thiếu” này trở thành “bài toán khó” cho chính quyền địa phương, làm ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước và phiền lòng những nhà hảo tâm làm từ thiện.