Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc tại Tuyên Quang

Là một tỉnh còn khó khăn, nhưng Tuyên Quang đang có nhiều tiềm năng mà quá trình tái cơ cấu kinh tế sắp tới cần phải tập trung để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tiếp theo chương trình thăm và làm việc tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 23/7, Đoàn công tác Chính phủ của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang
về tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang là một tỉnh khó khăn, xuất phát điểm thấp nhưng trong những năm qua với sự điều hành quyết liệt có hiệu quả và đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh nên tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2011-2014 đạt trên 14%/năm, liên tục đạt 21/21 chỉ tiêu kế hoạch, hoàn thành vượt mức 2 chỉ tiêu quan trọng và khó đạt nhất là giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách trên địa bàn. Đặc biệt Tuyên Quang là tỉnh điển hình với 2.409 km đường giao thông nông thôn được bê tông hoá, về đích trước kế hoạch một năm.

Đến năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,0 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách đạt 1.494,1 tỉ đồng, tăng 4,3%. Xuất khẩu đạt 61,4 triệu USD (kế hoạch trên 25 triệu USD). Cơ cấu kinh tế tương đối hợp lý với công nghiệp-xây dựng 35,54%, dịch vụ 38,16%, nông lâm nghiệp, thuỷ sản 26,30%.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 42,7%, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 13,09% (giảm 4,84% so cùng kỳ). Quốc phòng an ninh bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.363 tỉ đồng, tăng 19,8% so cùng kỳ. Nông nghiệp giữ vững kế hoạch. Dịch vụ du lịch thu hút gần một triệu lượt khách, tăng 36,5%. Thu NSNN đạt 633 tỉ, bằng 53% dự toán.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội nửa đầu năm nay trên địa bàn đang gặp một số khó khăn, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp so kế hoạch, tiến độ thực hiện một số công trình hạ tầng còn chậm, một số khoản thu ngân sách cũng đạt thấp. Nhìn chung, Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, sức cạnh tranh hạn chế. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông chất lượng còn kém, thiếu đồng bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đạt được. Đặc biệt là công tác thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thực tế tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đặt ra cho năm 2015 cũng như giai đoạn tiếp theo, tỉnh cần tập trung một số nhiệm vụ bám sát nội dung các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, trong đó chú trọng kiện toàn nhân sự các cấp.

Về phát triển kinh tế trên địa bàn, Phó Thủ tướng cho rằng cần phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của địa phương, mà cụ thể là tạo sự bền vững và giá trị gia tăng trong nông nghiệp với sự đa dạng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, chè, cam, lạc... Đồng thời, nhìn nhận những khả năng của các ngành kinh tế khác hiện tại trên địa bàn như thủy điện, khoáng sản, cần chuẩn bị ở mức cao nhất các điều kiện về nhân lực, chính sách thu hút đầu tư và hạ tầng.

Về một số kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho ý kiến xử lý cụ thể về dự án đầu tư đường cao tốc từ thành phố Tuyên Quang nối vào đường cao tốc Lào Cai-Hải Phòng, một số dự án cầu và đường kết nối và dọc sông Lô; vấn đề bổ sung Quy hoạch Dự án thủy điện sông Lô 10 vào quy hoạch bậc thang thủy điện sông Lô, đầu tư xây dựng các công trình điện nông thôn, chính sách thu hút mời gọi các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực điện tử cho tỉnh Tuyên Quang.

Nguồn www.chinhphu.vn