Thuận Nam phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân

(NTO) Huyện Thuận Nam hiện có tổng diện tích tự nhiên 56.452ha, trong đó diện tích đất canh tác hàng năm khoảng 6.000ha. Để đưa kinh tế địa phương phát triển, trong 5 năm qua, ngoài việc quy hoạch, bố trí cây trồng phù hợp với từng loại đất, vừa đảm bảo kinh tế, vừa tiết kiệm nước, địa phương còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng, có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn vay và kỹ thuật để phát triển sản xuất.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Do địa bàn huyện thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất, vì vậy để mở hướng làm ăn mới cho nông dân, huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp và các đơn vị triển khai 24 mô hình phát triển kinh tế trên các lĩnh vực nông–lâm–thủy sản, đưa nền kinh tế nông nghiệp phát triển.

Nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam) chăm sóc cây bắp. Ảnh: Thanh Long

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 7 mô hình, chăn nuôi 10 mô hình, nuôi trồng thủy sản 6 mô hình và cơ giới hóa nông nghiệp 1 mô hình. Đến nay, có một số mô hình như: Nuôi cừu sinh sản, nuôi bò vỗ béo... đang phát huy hiệu quả khá tốt. Các mô hình nông trại trồng cây lâu năm như: xoài, mít, thanh long, mãng cầu... mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình cây mãng cầu ta cho thu nhập bình quân 200 triệu/ha/vụ, gắn với hình thức tưới tiết kiệm nước là một trong những cây trồng chịu hạn phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của huyện.

Trước ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Nam, nhiệm kỳ 2015–2020, chúng tôi về các làng quê Phước Nam, Phước Ninh, Phước Dinh, Nhị Hà ghi nhận tinh thần chung của nông dân là rất phấn khởi bởi có sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Từ việc đẩy mạnh thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho người dân, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung một số loại cây trồng chính, như: Lúa, bắp, nho... tạo thành những cánh đồng tươi tốt. Mặc dù từ đầu năm đến nay, lượng nước ở các hồ chứa phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện đã cạn kiệt, nhưng với nỗ lực thực hiện các giải pháp chống hạn để ổn định sản xuất, ngay từ vụ đông–xuân 2014–2015, nông dân các xã Phước Nam, Phước Ninh, Phước Hà, Nhị Hà... đã thực hiện các giải pháp như khoan giếng, đào ao lấy nước... nên diện tích gieo trồng vẫn đạt 881ha; trong đó, diện tích lúa 565ha. Đến nay, bà con đã thu hoạch dứt điểm, năng suất đạt 63 tạ/ha.

Cùng với phát triển trồng trọt, các mô hình chăn nuôi trên địa bàn huyện đang ngày càng phát triển, với tổng đàn gia súc hiện có trên 70.000 con. Trong đó, một số mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại vừa và nhỏ như: Chăn nuôi heo Chấn Phong, dê cừu ở Phước Minh hiện có tổng đàn hơn 4.000 con và một số trang trại gà với quy mô từ 500-1.000 con đang ngày được hình thành. Sở dĩ nghề chăn nuôi ở Thuận Nam phát triển là nhờ vài năm gần đây, địa phương đã chú trọng cải tạo giống, xây dựng Đề án phát triển bò đực giống lai sind, heo nái siêu nạc, nhập các giống gà thả vườn, đặc biệt địa phương còn có khu vực chăn thả tự nhiên dọc theo các triền suối khá rộng. Bên cạnh đó, nông dân chăm chỉ tận thu phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, nên chất lượng đàn được cải thiện. Anh Trịnh Văn Phước, thôn 3, xã Nhị Hà, cho biết: Toàn thôn có gần 400 hộ, nhưng có đến 2/3 gia đình tham gia “nghề nuôi bò”. Nhiều hộ giàu lên nhờ mô hình nuôi bò quy mô tập trung, với tổng đàn lên đến hàng chục con. Đặc biệt, những năm gần đây, ứng dụng mô hình nuôi bò vỗ béo, nhiều hộ đã chuyển đổi đất màu kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò quy mô từ 2-3 con/hộ, góp phần mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân.

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp của huyện có tốc độ phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015–2020, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đến năm 2020, huyện Thuận Nam đã lựa chọn các loại cây trồng chính là lúa, bắp, nho... để ưu tiên phát triển; ban hành kế hoạch nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục chuyển giao nhân rộng các mô hình như: Nuôi bò sinh sản, cừu sinh sản, bò vỗ béo, sản xuất lúa giống... để nông dân áp dụng. Cùng với đó, địa phương còn tập trung nâng cao chất lượng đàn gia súc bằng việc hỗ trợ bò giống để cải tạo đàn, nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp gắn với đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng và tham gia thị trường xuất khẩu, hướng tới xây dựng ngành Nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.