Nữ kỹ sư thủy sản nhiệt tâm với nghề

(NTO) Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước An Giang, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Năm 2002, chị Phan Phương Uyên về Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh công tác.

Những ngày đầu về nhận nhiệm vụ do chưa nắm rõ tình hình sản xuất của địa phương nên chị gặp không ít khó khăn. Trước tình hình đó, chị không ngừng học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, cố gắng tìm hiểu đặc điểm cụ thể từng địa phương để áp dụng vào chuyên môn đạt hiệu quả hơn. Vừa làm, chị vừa rút kinh nghiệm, khó đến đâu tìm cách tháo gỡ đến đó, cuối cùng công việc cũng vào guồng quay. Sau hơn 12 năm gắn bó với công tác khuyến ngư, Kỹ sư Thủy sản Phan Phương Uyên đã thành thạo với công tác chuyên môn, được lãnh đạo và bà con nông dân tin tưởng. Hiện nay, chị đảm nhiệm Phó phòng Xét nghiệm bệnh tôm, phụ trách điều hành, giám sát, kiểm tra và chịu trách nhiệm xét nghiệm. “Dù ở cương vị nào, tôi cũng hứa với bản thân phải luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”- chị Uyên tâm sự.

 
Chị Phương Uyên (bên trái) hướng dẫn nhân viên xét nghiệm mẩu bệnh.

Những năm qua, tình hình dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp, đòi hỏi việc lựa chọn, xét nghiệm bệnh phải kịp thời, chính xác. Trung bình mỗi tháng, Phòng Xét nghiệm nhận trên 1.000 mẩu bệnh, có tháng cao điểm lên đến 2.000 mẩu. Vì vậy, chị không nề hà, quản ngại khó khăn làm thêm buổi tối và các ngày nghỉ. Với phương châm làm việc rõ ràng, minh bạch, thái độ phục vụ ân cần, niềm nở, Phòng Xét nghiệm dần trở thành “địa chỉ tin cậy” của người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh.

Nhằm hỗ trợ cho người nuôi tôm trong tỉnh có điều kiện chọn lựa những tôm giống chất lượng cao, bảo đảm hoạt động nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh triển khai xét nghiệm được 11 bệnh. Qua đó, góp phần giảm chi phí và thời gian so với trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi tôm tại địa phương, cũng như các tỉnh khác đến Ninh Thuận mua giống.

Trong quá trình công tác, cán bộ phòng xét nghiệm thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, đặc biệt là trong quá trình nhuộm các acid nucleic trong bản gel agarose phải sử dụng chất Ethidium Bromide (chất gây dị ứng với con người). Qua các đợt tập huấn, chị được thử nghiệm sử dụng chất SafeView (chất an toàn, không gây hại) giúp hiển thị rõ kết quả xét nghiệm. Ấp ủ dự định, năm 2014, chị mạnh dạn đề xuất cấp trên sử dụng chất SafeView thay thế chất Ethidium-Bromite trong quá trình xét nghiệm, góp phần giảm thiểu độc hại, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên làm công tác xét nghiệm.

Ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, cho biết: Chị Uyên là cán bộ khuyến ngư yêu nghề, tận tụy với công việc, có tinh thần học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, luôn hòa đồng với đồng nghiệp, niềm nở với khách hàng.

Nhờ những nỗ lực của bản thân, năm 2012, chị Phan Phương Uyên vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật nông nghiệp; là Chiến sỹ thi đua cơ sở 3 năm liền (2011-2014).