Những bệnh lây truyền từ muỗi

(NTO) Khí hậu nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển. Khi muỗi đốt người có thể làm lây truyền nhiều loại bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế hoặc tử vong.

1/ Nhóm muỗi Anophene: Sống ở núi rừng và ở vùng nước lợ ven biển, thường mang ký sinh trùng nhóm Plasmodium (P. Falciparum, P. Vivax, P. Malalaria, P. Ovale và P.Knowles) truyền bệnh sốt rét cho người. Hiện nay, tỉnh ta vẫn đang là vùng sốt rét trọng điểm, tuy số ca mắc sốt rét ác tính có giảm nhiều nhưng số ca mắc sốt rét còn khá cao. Năm 2014, có 1079 ca mắc, không có ca tử vong.

2/ Nhóm muỗi Aedes Aegypty: Còn gọi là muỗi vằn, mang vi-rút Dengue, là thủ phạm làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường cao điểm trong mùa mưa, có năm gây thành dịch lớn; bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

3/ Muỗi truyền bệnh giun chỉ bạch huyết: Ở huyện Bác Ái có một số người mắc bệnh giun chỉ, là bệnh mạn tính do ấu trùng giun chỉ làm tắc nghẽn những mạch bạch huyết gây phì đại tuyến vú, bộ phận sinh dục ngoài, phù chân voi và đái ra dưỡng trấp, làm khó khăn trong sinh hoạt, chất lượng sống giảm thấp. Muỗi truyền bệnh giun chỉ có 2 loại chính. Loài Culex Quinquefaciatus mang ấu trùng giun chỉ Wucheria Bancrofti phổ biến ở thành thị, muỗi cái đẻ trứng ở những vũng nước bẩn và cống rãnh quanh nhà. Muỗi truyền bệnh giun chỉ Brugia Malayi là Mansonia Anulifea và Mansonia Uniformis, muỗi cái đẻ trứng ở mặt dưới lá cây mọc dưới nước, nhất là lá lục bình, bèo.

4/ Muỗi lây truyền các bệnh viêm não: Hiện nay, nước ta đang có nhiều ca mắc bệnh miêm não. Tỉnh ta thỉnh thoảng cũng có ca mắc viêm não. Nhiều loại bệnh viêm não bị lây truyền do các giống muỗi Culex, Aedes đôi khi còn do Anophene và Masonia, mang mầm bệnh là một số Arbovirus nhóm B ưa mô thần kinh gây ra. Ký chủ của Arbovirus là các loài chim hoang dã và heo nhưng không có biểu hiện bệnh. Muỗi hút máu chim, heo có mang Arbovirus rồi truyền mầm bệnh khi đốt người.

Phòng bệnh:

- Diệt nơi muỗi đẻ trứng, diệt cung quăng: Dọn sạch các nơi nước đọng trong nhà, quanh nhà và nơi cộng đồng là việc làm thường xuyên, ít nhất hàng tuần.

- Thả cá vào những ao vũng nước công cộng, lu hồ chứa nước gia đình để cá ăn cung quăng.

- Tẩm hóa chất mùng màn. Việc phun hóa chất rộng rãi chỉ thực hiện trong lúc dịch bệnh tăng cao vì nguy cơ ô nhiễm môi trường.

- Phòng muỗi đốt: Mặc áo quần dài khi làm việc ban đêm, ngủ mùng ngay cả ban ngày, nhất là đối với trẻ em nhỏ. Dùng nhang xua muỗi, thuốc xịt muỗi.

- Nhà cửa cần dọn dẹp thông thoáng, quần áo không nên mắc bên ngoài làm nơi muỗi nấp; dọn quang cây cỏ quanh nhà không cho muỗi ẩn nấp.