Thông báo: Cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Căn cứ Quyết định số 127/2000-QĐ-BNN-KL ngày 11/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy định về cấp dự báo, báo động và biện pháp tổ chức thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng;

Căn cứ Quyết định số 2721/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2014-2015 và truy quét chống phá rừng năm 2015 tỉnh Ninh Thuận;

Căn cứ công văn số 17/SNNPTNT-KH ngày 05/01/2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2015 theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ số liệu khí tượng, lượng mưa đo được do Văn phòng BCH BVR&PCCCR các huyện cung cấp;

Theo tính toán cấp dự báo cháy rừng dựa trên công thức Nesterop và các chỉ tiêu khô hạn ở Ninh Thuận, kết hợp với quan sát, theo dõi thực tế tình trạng khô hạn ở những khu vực có rừng trên địa bàn tỉnh. Chi cục Kiểm lâm thông báo:

Kể từ ngày 04/6/2015, cấp dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như sau:

- Huyện Ninh Hải vẫn giữ nguyên cấp V (Cấp cực kỳ nguy hiểm, thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng);

- Huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc vẫn giữ nguyên cấp II (Cấp trung bình, có khả năng cháy rừng)

- Huyện Thuận Nam, Ninh Phước từ cấp V xuống cấp II (Cấp trung bình, có khả năng cháy rừng);

Chi cục Kiểm lâm đề nghị các BCH BVR&PCCCR cấp huyện, phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh thực hiện như sau:

1. Biện pháp tổ chức thực hiện:

a. Đối với cấp dự báo cháy rừng Cấp II:

- Điều chỉnh kim chỉ cấp DBCR ở cấp II;

- Tiếp tục tiến hành thực hiện phương án đã được phê duyệt.

- Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn qui vùng, sản xuất nương rẫy, tuyên truyền giáo dục về phòng cháy chữa cháy rừng và đốt nương làm rẫy đúng kỹ thuật.

- Vẫn duy trì lực lượng, phương tiện và dụng cụ sẵn sàng chữa cháy rừng, kịp thời huy động người tổ chức cứu chữa và dập tắt kịp thời khi có đám cháy xảy ra.

- Tổ chức phát dọn, đốt trước có điều khiển theo đúng quy định tại một số khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao nhằm hạn chế bớt lượng thực bì trước khi thời tiết khô hanh trở lại. Đảm bảo huy động lực lượng, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra cháy lan, cháy rừng.

b. Đối với cấp dự báo cháy rừng Cấp V:

- Điều chỉnh kim trên bảng 5 cấp DBCR chỉ đúng cấp V;

- Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy; lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng;

- Lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng, đảm bảo trực PCCCR 24/24 giờ trong ngày;

- Nghiêm cấm sử dụng lửa trong rừng và ven rừng;

- Nghiêm cấm không được phép đốt dọn nương rẫy trên đất lâm nghiệp và những khu vực ven rừng, trong rừng;

- Trưởng BCH BVR&PCCCR cấp huyện trực tiếp chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương. Khi xảy ra cháy phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, tiến hành điều tra xác minh vụ cháy và truy tìm thủ phạm xử lý nghiêm minh. Khi cần thiết, đề nghị cấp trên chi viện lực lượng và phương tiện hỗ trợ chữa cháy theo quy định.

2. Tổ chức dự báo và thông tin cấp dự báo cháy:

Lực lượng Kiểm lâm (Thường trực BCH BVR&PCCCR các cấp) tổ chức ứng trực, trực tiếp nhận thông tin và thông báo cấp dự báo cháy rừng cho các đơn vị, báo cáo kịp thời việc phòng cháy chữa cháy rừng lên cấp trên.

Đề nghị thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR theo đúng quy định đối với cấp DBCR đã thông báo. Các ban ngành, đơn vị liên quan sẵn sàng phối hợp tuyên truyền, kiểm tra và tham gia chữa cháy khi cần thiết.