Ninh Sơn anh hùng trên bước đường đổi mới

(NTO) Trở lại Ninh Sơn trong những ngày Tháng tư lịch sử này, đâu đâu cũng bắt gặp nụ cười rạng rỡ của người dân.

Những câu chuyện về quá trình phát triển đi lên của Ninh Sơn sau ngày quê hương giải phóng và nhất là sau ngày “ra riêng” được mọi người kể cho nhau nghe với một niềm tin, xen lẫn niềm tự hào. Xa hơn là những câu chuyện về sự chung sức, đồng lòng vượt khó của cả hệ thống chính trị trong hành trình xây dựng nông thôn mới, đưa quê hương Ninh Sơn ngày một đi lên, xứng đáng là vùng đất anh hùng.

 
Đường vào trung tâm huyện Ninh Sơn. Ảnh: VM

Trong 2 cuộc kháng chiến, Ninh Sơn là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạngNhiều tên đất, tên người đầy khí phách, kiên trung đã làm kẻ thù khiếp sợ. Sau 40 năm giải phóng, đặc biệt là 15 năm sau ngày chia tách huyện (Ninh Sơn-Bác Ái), từ muôn vàn khó khăn ban đầu, Ninh Sơn đã vươn dậy không ngừng. Trong đó, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo được coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu tại huyện miền núi này. Ngoài sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, thuận lợi nhất của huyện Ninh Sơn trong phát triển kinh tế, đó chính là sự đồng thuận cao trong đại bộ phận nhân dân. Trao đổi với chúng tôi về sự đổi thay của một xã từng là “khó khăn” nhất của huyện, ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn, cho biết: Sau 40 năm giải phóng, xã Nhơn Sơn đã thay đổi rất nhiều. Hệ thống giao thông trong xã đến thôn đều được bê tông hóa, kinh tế của xã phát triển nhanh, vì vậy đời sống  nhân dân được nâng cao ”.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân trên địa bàn, huyện đã không ngừng đưa kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng- an ninh được củng cố và giữ vững. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ 2010-2015, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân 12,1%; một số ngành, lĩnh vực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đề ra. Nông nghiệp, lâm nghiệp phát triển tương đối ổn định; giá trị sản xuất đạt 405,28 tỷ đồng, tăng 1,1% so với chỉ tiêu. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng có nhịp độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất đạt 316 tỷ đồng, tăng 1,1% so với chỉ tiêu. Công tác thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch; đến năm 2014, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 93 tỷ đồng, đạt 114,8% so với chỉ tiêu Đại hội đề ra.

 
Nông dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch chôm chôm.Ảnh: V.M

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt được kết quả. Toàn huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi cho 7/7 xã; 100% xã đã đạt trên 60% tiêu chí, trong đó xã Nhơn Sơn đạt 15/19 tiêu chí, Hòa Sơn 12/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có tiến bộ. Giáo dục-đào tạo được quan tâm đầu tư đúng mức, trình độ dân trí được nâng lên. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98,5%, tăng 1,5% so với chỉ tiêu; xây dựng 12 trường đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; 8/8 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn cũ). Hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao phát triển đa dạng, thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi. Các chính sách an sinh-xã hội được quan tâm thực hiện tích cực; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 2,65% (năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 16,17% giảm gần 4 lần so với năm 2000)… Có thể nói với hướng đi đúng đắn về phát triển kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, góp phần làm cho bộ mặt của một huyện nghèo miền núi Ninh Sơn đổi thay mạnh mẽ.

 
Đường giao thông nội thôn Phú Thạnh (Mỹ Sơn, Ninh Sơn) được bê-tông hóa.

Về mục tiêu và giải pháp phát triển trong những năm tới, đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư huyện Ninh Sơn cho biết: Huyện tăng cường đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện có hiệu qủa Chương trình xây dựng NTM và tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-4%. Bên cạnh đó, huyện chú trọng đầu tư trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và hướng dẫn vận động nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, chế biến nông- lâm sản để tạo ra sản phẩm hang hóa tăng thu nhập. Đồng thời gắn việc phát triển kinh tế với công tác quản lý, bảo vệ rừng và giao đất lâm nghiệp, bảo vệ môi trường.

Phát huy truyền thống của huyện anh hùng, trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, quân và dân huyện Ninh Sơn tiếp tục đoàn kết, chung sức chung lòng, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu to lớn hơn trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và xóa đói giảm nghèo.