Không quy định "cứng" số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Tiếp tục Phiên họp thứ 37, sáng 9/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của UBTVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho thấy: Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Về bố cục của dự thảo luật, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không tách các quy định về mối quan hệ công tác của Chính phủ với các thiết chế khác thành một chương riêng, mà chuyển các nội dung này vào các điều, khoản tương ứng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như cách quy định trong các đạo luật khác về tổ chức bộ máy nhà nước.

UBTVQH cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức
 Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, UBTVQH nhận thấy, tuy việc quy định rõ số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật có ưu điểm là bảo đảm tính ổn định cơ cấu của Chính phủ, nhưng việc không quy định rõ số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật cũng sẽ tạo điều kiện chủ động hơn trong việc quy định cơ cấu của Chính phủ nhằm bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn yêu cầu từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Thực tế cho thấy, cách làm như hiện nay là vào đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội quyết định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ cho nhiệm kỳ đó cơ bản vẫn thực hiện tốt và phù hợp, không có vướng mắc, bất cập. Vì vậy, UBTVHQ đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật đã trình Quốc hội là không quy định rõ số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật. Theo đó, cơ cấu của các bộ không quá 5 Thứ trưởng; các Bộ Quốc phòng, Công an không quá 6 Thứ trưởng.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, liên quan đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong công tác quốc phòng - an ninh, ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị, cần nghiên cứu một số quy định cho phù hợp với Điều 68 của Hiến pháp 2013. “Trong Hiến pháp 2013, Điều 68 còn một số nội dung đã được quy định thuộc thẩm quyền và nhiệm vụ của Chính phủ phải thực hiện, nhưng chúng ta chưa cụ thể hóa vào trong nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của Chính phủ. Thứ nhất là giáo dục quốc phòng - an ninh cho toàn dân; thứ hai, xây dựng công nghiệp quốc phòng - an ninh và đảm bảo trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân; thứ ba, kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại” - ông Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đề nghị giữ lại quy định giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu. Tuy nhiên, dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu lại đề nghị không bổ sung nội dung “Phê duyệt danh sách nhân sự trước khi bầu” vào dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nên cân nhắc đề nghị của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước còn băn khoăn về 2 vấn đề.

Trước hết là mối quan hệ giữa Quốc hội (QH) với Chính phủ. QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng chúng ta cũng có cơ chế giám sát giữa các cơ quan nhà nước. Vấn đề đặt ra trong Luật này là nếu có giám sát thì Chính phủ giám sát như thế nào đối với QH và giám sát như thế nào đối với các cơ quan tư pháp? Cho rằng, điều này chưa được thể hiện rõ trong Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, cần phải làm rõ cơ chế giám sát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong Luật này.

Cho rằng, chính sách dân tộc đã được quy định cụ thể hơn trong dự thảo, nhưng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước vẫn còn băn khoăn: Trong Hiến pháp chỉ có 4 chính sách thuộc phạm vi QH quyết định, còn những chính sách khác thì Chính phủ hoặc các cơ quan chức năng liên quan có thể quy định. Ông Ksor Phước cho rằng, trong Điều 15, khoản cuối cần quy định thêm: Khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc thì Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc (HĐDT). Hiện có 2 mức chính sách: Mức chính sách nhà nước về chính sách dân tộc do QH ban hành, còn chính sách cụ thể khi ban hành thì Chính phủ phải lấy ý kiến của HĐDT. "Nội dung này phải được cụ thể hóa trong Luật" - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh.

Hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương

Tiếp đó, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Báo cáo tiếp thu theo hướng quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo 2 phương án.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, qua tập hợp, nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Luật quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (tại Mục 2, Chương XI), trong đó, xác định tính chất của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này; còn những nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập các đơn vị đó.

Ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ hơn nữa về chính quyền địa phương ở những đơn vị hành chính hải đảo (để phù hợp với Hiến pháp là tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo) cũng được Ủy ban Pháp luật ghi nhận là có cơ sở và đề nghị tiếp thu.

Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục báo cáo 2 phương án về tổ chức chính quyền địa phương như sau:

Phương án 1: Tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân), nhưng làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Phương án 2: Các đơn vị hành chính như: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam