Chuyện “mỗi người làm việc bằng hai”

(NTO) Hội ngộ trong dịp về dự lễ cưới con đứa bạn, cánh cựu chiến binh chúng tôi có dịp ôn lại những kỷ niệm sống trong quân ngũ, rồi tán gẫu, bình phẩm chuyện ngày xưa, ngày nay cứ như mình là người hiểu cao, biết rộng vậy. Họ nói chuyện vô tư, trong sáng nhưng cũng có đôi điều đáng suy ngẫm.

Chuyện “Mỗi người làm việc bằng hai” trong kháng chiến chống Mỹ

Anh bạn thương binh (chỉ còn một tay) bất chợt buông câu hỏi: Chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng đất nước, các cậu có biết “Mỗi người làm việc bằng hai” là như thế nào không? - Ông biết thì kể đi còn hỏi. Anh bạn gần bên lên tiếng. Anh thương binh chậm rãi: Tớ mà biết thì hỏi các cậu làm gì. May mắn trong đám bạn, có chị dáng gọn gàng, xinh xắn, hiện là giảng viên môn Sử, Trường Cao đẳng tỉnh tiếp lời: - Ừ, để tôi. Rồi chị chậm rãi kể: - Chuyện “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng vào tháng 4-1964 tại Hội nghị Chính trị đặc biệt. Sau đó được dấy lên ở Nhà máy gang thép Thái Nguyên rồi lan rộng ra trở thành phong trào chung của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, địa phương ở miền Bắc. Từ trẻ nhỏ đến người già, từ đồng bằng đến miền núi, thành thị, ai ai cũng hăng hái thi đua làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Cùng với phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai” là các phong trào thi đua như “Sóng duyên hải” trong công nghiệp, “Gió đại phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Hai tốt” trong trường học, “Thầy thuốc như mẹ hiền” trong ngành Y tế, “Ba cải tiến” trong các cơ quan, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên…. động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất, chiến đấu bảo vệ miền Bắc đồng, thời chi viện cho miền Nam đánh Mỹ theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nghe xong, anh bạn thương binh trầm trồ: Nghe bà kể cứ như là người trong cuộc vậy. “Ừ, Mình may mắn sinh ra tại miền Bắc, không chỉ học qua lịch sử, đọc sách báo mà mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng lại được nghe mẹ kể về thời gian khổ, ác liệt hào hùng chống Mỹ. Có lẽ vì vậy mà dân tộc Việt Nam dù nhỏ bé nhưng vẫn đủ sức đánh thắng Mỹ”, chị nói thêm.

Và “Mỗi người làm việc bằng hai” thời hội nhập

Nghe xong, anh bạn công tác ở đơn vị sự nghiệp góp thêm: Tưởng chuyện gì lạ, cơ quan mình đâu cần phát động phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”, nhưng nhiều người đã làm việc bằng hai, bằng ba rồi, tôi phải ghi lại để sau này “giáo dục” con cháu. “Ông nói như chuyện cổ tích, “mỗi người làm việc bằng hai” là vì dân, vì nước còn ông hưởng hai lương (lương sự nghiệp, lương tăng thêm từ dịch vụ có thu) thì làm việc bằng hai nghe sao được!?”. Chị bạn giảng viên môn Sử không đồng tình. Anh bạn cười hề hề: - Tôi cứ tưởng các ông, các bà hiểu cao, biết rộng ai dè… để xem có đúng là chúng tôi mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba không nhé. Nơi tôi công tác hiện có gần 50% là người học bài bản, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chính quy và hơn 50% học theo kiểu “du kích”. Nhu cầu nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp phát triển đòi hỏi phải có sản phẩm mới, hiệu quả cao. Nhà nước đầu tư trang bị các thiết bị hiện đại và cho tăng biên chế để ngang tầm nhiệm vụ, rồi “trải thảm đỏ đón” đón nhân tài nhưng mấy năm rồi có đón được ai. Thế là số cán bộ lâu nay ở các đơn vị cơ sở học đường vòng, số học sinh tốt nghiệp THPT thi trượt đại học chính quy theo con đường tại chức tìm đường “chạy” vào biên chế cơ quan. Nhiều người trong số họ có bằng thạc sĩ, có người tiến sĩ nhưng họ vốn quen công việc cơ sở, họ làm việc như thế nào chắc các vị biết rồi đấy!? Vậy nên những người học hành bài bản, có năng lực thực sự phải gánh thêm phần việc của họ, thế thì “mỗi người không làm việc bằng hai, bằng ba” sao được. Nghe bạn kể xong, mọi người ồ lên “thảo nào, báo chí nói có 30% công chức cắp ô”, vậy nên chuyện “mỗi người làm việc bằng hai” thời hội nhập tự nó đã thành phong trào khỏi cần ý tưởng, phát động như thời chống Mỹ.

Chuyện “Mỗi người làm việc bằng hai” thời nay của cánh cựu chiến binh chỉ là chuyện vui, đúng bao nhiêu phần trăm không biết nhưng có lẽ trong từng cơ quan, đơn vị…đều có số đông những người đang ngày đêm công tác, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp chung và vẫn còn đó số người “tám giờ vàng ngọc”, sáng “cắp ô đi, tối cắp về”, trong số họ có người còn được biểu dương khen thưởng, được thăng chức. Xã hội chỉ thực sự phát triển khi những người có đức, có tài được trọng dụng và chúng ta hãy “Mỗi người làm việc bằng hai” như lời Bác Hồ dạy để góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.