Vấn đề hôm nay:

Cần ý thức tiết kiệm khi sử dụng nước

(NTO) Nước là cốt lõi của sự sống vì không một thực thể nào có thể sống mà thiếu nước được, không những vậy nhìn ở khía cạnh rộng hơn “nước còn là cốt lõi của phát triển bền vững” như chủ đề của Ngày nước thế giới năm nay đã đặt ra.

Có thể nói, trong những ngày nắng hạn diễn ra khá gay gắt như hiện nay ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh ta nói riêng đã gây thiếu nước nghiêm trọng không đủ tưới cho cây trồng dẫn đến hệ lụy là gần 10% dân số trong tỉnh chịu ảnh hưởng và đã có không dưới 6.100 ha phải ngưng sản xuất vụ đông-xuân, đồng thời gần hàng chục ha khác phải mất trắng do thiếu nước tưới bởi sự khô kiệt của các hồ chứa. Nêu ra vấn đề này để thấy rằng nước quan trọng như thế nào, đặc biệt là đối với tỉnh ta - tỉnh được xem là khô hạn nhất trong cả nước. Cho nên vấn đề cần đặt ra là việc sử dụng nước như thế nào có hiệu quả để vừa bảo vệ được nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm, vừa phục vụ cả hiện tại và tương lai cho nhu cầu sinh hoạt của con người và phát triển sản xuất một cách bền vững?.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) sử dụng nguồn nước ngầm tưới phun canh tác hoa màu. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực tế phải nhận rõ rằng, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh ta có nền nhiệt độ cao, bình quân trong năm trên 260C, ngược lại tổng lượng mưa trong năm lại thấp nhất cả nước, riêng khu vực đồng bằng ven biển trung bình từ 700-1000 mm, trong khi tổng lượng bốc hơi hàng năm từ 1.650-1.850 mm. Nhìn vào con số nêu trên cho thấy tài nguyên nước rất khan hiếm, bình quân chưa đến 3.000 m3/người/năm, thấp hơn nhiều so với bình quân của cả nước. Đặc biệt tỉnh ta được “thụ hưởng” lượng nước bổ sung từ nhà máy thủy điện Đa Nhim khoảng 580 triệu m3/năm. Riêng nước ngầm càng khan hiếm hơn. Theo số liệu điều tra chưa đầy đủ thì tổng trữ lượng có thể khai thác được ở các khu vực đồng bằng khoảng 300.000 m3/ngày-đêm mà thôi. Mặc dù lượng nước khan hiếm có thể xếp vào bậc nhất cả nước nhưng những năm qua cùng với sự phát triển dân cư, nhất là phục vụ cho nhu cầu sản xuất, ngoài nguồn nước từ thủy điện Đa Nhim, các hồ chứa được tưới cho cây trồng theo hệ thống thủy lợi được xây dựng căn bản, còn lại nhiều vùng nhất là ven biển các cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản, khai thác titan... đều khai thác quá mức nguồn nước ngầm làm cho lượng nước hàng năm không bù đắp kịp dẫn đến ngày càng cạn kiệt và hệ lụy theo đó là bị xâm nhập mặn. Không những vậy, tại các khu đô thị lượng nước thất thoát, sử dụng lãng phí cũng khá lớn. Mặt khác, trong ngành trồng trọt hệ thống tưới tiêu, hình thức tưới tiêu... không hợp lý cũng làm mất lượng nước đáng kể. Đó là chưa nói đến tình trạng ô nhiễm do nước thải công nghiệp chưa được xử lý tốt, phân bón, thuốc, chăn nuôi,... chất thải xả ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước mặt cũng như thẩm thấu vào nguồn nước ngầm... góp phần làm cho chất lượng tài nguyên nước bị suy thoái.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước, nâng cao chất lượng nguồn nước... có nhiều việc phải làm, trong đó đòi hỏi có sự vào cuộc của các nhà chuyên môn từ đánh giá đúng mức tài nguyên nước hiện có để đưa ra khuyến cáo sử dụng với các giải pháp kỹ thuật, hành chính... đồng bộ. Trước mắt, rất cần ý thức sử dụng nước tiết kiệm để vừa đáp ứng nhu cầu con người, đảm bảo an sinh xã hội và bảo đảm cho phát triển kinh tế hiệu quả và môi trường bền vững. Hãy nghĩ đến nhiều người dân vùng hạn đang thiếu nước để chắt chiu, tiết kiệm nguồn nước ta đang sử dụng và luôn hướng đến thông điệp “Nước là cốt lõi của sự phát triển bền vững”, có như vậy mới bảo đảm được lâu dài bởi nước không phải là tài nguyên vô tận.