Lực lượng thanh niên xung phong trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 giải phóng quê hương Ninh Thuận

(NTO) Trên chiến trường miền Nam, cuối năm 1964 đầu năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị thất bại, quân ngụy Sài Gòn, xương sống của chiến lược đang đứng trước nguy cơ bị sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Hàng chục vạn quân Mỹ và Chư hầu ồ ạt kéo vào miền Nam, với hàng triệu tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến trường nơi đọ sức quyết liệt nhất giữa lực lượng hai bên là miền Đông Nam bộ. Nơi đây địch gom dân, kìm kẹp gắt gao, triệt để thực hiện chính sách cướp sạch, giết sạch và phá sạch một cách tàn bạo nhất. Trước bối cảnh đó, công tác đảm bảo phục vụ chiến đấu đã trở thành vấn đề cực kỳ khó khăn cấp bách. Không thể sử dụng dân công hỏa tuyến thông thường, chiến trường lúc bấy giờ đòi hỏi một lực lượng phục vụ rất đặc biệt, cơ động, linh hoạt sát cánh cùng với bộ đội trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Đại hội đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ nhất năm 1965 đã phát động phong trào “5 xung phong”, trong đó có phong trào đi dân công hỏa tuyến để phục vụ chiến trường. Ngày 20 tháng 5 năm 1965, Đội thanh niên xung phong giải phóng miền Nam ra đời; đây là lực lượng trực tiếp phục vụ chiến trường từ hậu phương đến tiền tuyến, nhiệm vụ chủ yếu là chuyển thương, tải đạn, lương thực, thuốc men phục vụ tiền tuyến.

Ở Ninh Thuận, do xa sự chỉ đạo của Trung ương nên việc chi viện, cung cấp vũ khí, lương thực, thuốc men gặp nhiều khó khăn, nhưng nhu cầu đòi hỏi ngày càng lớn. Do vậy từ những năm 1961, 1962, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã chỉ đạo, tổ chức phát động phong trào toàn dân vùng căn cứ Bác Ái tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến phục vụ kháng chiến và chính lực lượng này đã góp phần làm thất bại các cuộc hành quân càn quét vào căn cứ của địch. Đến năm 1965, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã chỉ đạo các huyện vùng căn cứ hình thành các tổ chức thanh niên tham gia phục vụ kháng chiến và được biên chế, tổ chức, tên gọi theo địa bàn hành chính, gồm: Đoàn thanh niên Bác Ái Đông, Đoàn thanh niên Bác Ái Tây và Đoàn thanh niên Anh Dũng. Nhiệm vụ của đoàn là tiếp lương, tải đạn, vận chuyển thương binh phục vụ bộ đội chiến đấu, đồng thời tổ chức lực lượng tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men của cấp trên cung cấp cho địa phương. Do địa hình núi non hiểm trở, nên trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng đoàn thanh niên xung phong luôn nối tiếp nhau băng rừng, vượt qua núi cao, vực sâu không quản nắng mưa, đạn bom họ đã vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, thuốc men với hàng trăm kilômet đường rừng. Họ đi hàng tháng trời trong đói rét, bệnh tật, nhiều anh chị em phải ngã xuống hy sinh khi trên lưng các chị, các anh vẫn còn mang gùi hàng nặng trĩu. Thế nhưng các đoàn thanh niên xung phong vẫn một lòng kiên định, vững vàng như núi cao, như cây cổ thụ trên rừng không bao giờ nao núng. Không một ngày nào vắng bóng các đoàn thanh niên xung phong trên các tuyến đường ra phía trước phục vụ mặt trận. Công việc tải thương, tiếp đạn vô cùng gian khổ, ăn đói, mặc rét, ngay cả cái chết ngày đêm rình rập, lớp trước ngã xuống, lớp sau đứng lên, hiên ngang, cần mẫn, mang trên vai từ 40 đến 50kg đi suốt đêm, suốt ngày như một dòng thác bền bỉ để ra phía trước phục vụ chiến trường với một mơ ước vô cùng giản dị, mong sao cho đất nước sớm được hòa bình, thống nhất.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, trước những thắng lợi to lớn, liên tiếp của quân và dân ta trên khắp các chiến trường đã dồn địch vào thế hết sức bất lợi, Nguyễn Văn Thiệu và chính quyền Sài Gòn quyết định lập ở đây một tuyến phòng thủ mạnh nhằm ngăn chặn sức tấn công của các đại quân ta. Để đập tan “Lá chắn thép” này, một lực lượng lớn các đơn vị bộ đội chủ lực của cánh quân Duyên Hải cùng với quân và dân địa phương cùng phối hợp. Để đảm bảo cho chiến dịch đòi hỏi phải huy động một lực lượng lớn thanh niên xung phong để vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, tham gia mở đường, làm cầu cống cho xe tăng và bộ binh cơ động tiến công. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã chỉ đạo cho các huyện vùng căn cứ huy động lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu. Sau tết nguyên đán năm 1975, các huyện đã huy động được trên 3000 người sẵn sàng tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men. Sau gần nửa tháng, vượt qua hơn 200km băng rừng vượt núi lực lượng thanh niên xung phong đã vận chuyển 8500kg vũ khí, 1500kg thuốc men, 3000kg lương thực, 22000kg muối phục vụ bộ đội và nhân dân. Đặc biệt, để tạo bất ngờ, tấn công địch phía sau bên sườn, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã quyết định mở một con đường quân sự làm gấp từ đèo Mỹ Thạnh, Cam Ranh qua Phước Thành về Phước Trung ra đường 11 cầu Tân Mỹ để xe tăng xe cơ giới của quân chủ lực cơ động. Trước yêu cầu đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện vùng căn cứ huy động một lực lượng lớn dân công hỏa tuyến để mở đường. Sau 2 ngày các huyện đã huy động được hơn 2000 người, chủ yếu là thanh niên và chỉ trong 6 tiếng đồng hồ với khí thế thần tốc lực lượng dân công hỏa tuyến đã hoàn thành con đường dài 50km mà trước đó dự kiến trong 2 ngày. Cũng từ con đường này xe tăng, pháo binh và bộ binh cơ giới cơ động từ Cam Ranh/Khánh Hòa vào Suối Rua, qua Tà Lú, Ma Ty ra quốc lộ 11 phát triển lực lượng về hướng Đông đánh chiếm sân bay Thành Sơn, giải phóng thị xã Phan Rang – Tháp Chàm, đập tan “Lá chắn thép”, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận ngày 16 tháng 4 năm 1975.

Cùng với chiến công chung của lực lượng vũ trang địa phương và bộ đội chủ lực, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã có những đóng góp to lớn, quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là sự kết tinh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng được thể hiện qua hành động kiên cường, dũng cảm, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn của lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và lực lượng thanh niên xung phong cả nước nói chung.

Phát huy truyền thống anh hùng của tuổi trẻ trong lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa, các thế hệ thanh niên Ninh Thuận ngày nay tiếp tục xông pha, đem ý chí và hoài bão cách mạng vì cuộc sống cộng đồng, tình nguyện đi vào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đặc biệt khó khăn đã góp phần làm nên diện mạo mới ở các vùng quê xa xôi, hẻo lánh. Tuổi trẻ đã tham gia tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công xuất sắc, thầm lặng của tuổi trẻ Ninh Thuận trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ còn lưu mãi trong lịch sử Đảng, lịch sử Đoàn. Quá trình đó sẽ tạo nên những khởi sắc mới, bước tiến mới, thôi thúc, giục giã tuổi trẻ và nhân dân Ninh Thuận nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, thử thách, lập nên những kỳ tích mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện đã và đang viết nên bản anh hùng ca tình nguyện của tuổi đôi mươi, thôi thúc giục giã thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục noi gương, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước.