Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 14-3

 * Sự kiện

- Ngày 14-3-1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, đăng báo Quân đội nhân dân, số 131. Trong thư, Người chỉ rõ nhiệm vụ trong chiến dịch này là “rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang”, và tin tưởng rằng, cán bộ và chiến sĩ ta sẽ “phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.

- Ngày 14-3-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị cán bộ Công đoàn. Nói chuyện với Hội nghị, Người nêu rõ những nhiệm vụ của giai cấp công nhân, của công đoàn hiện nay và những biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó. Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng con người toàn diện: “Có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê, làm mướn ngày trước, vì bây giờ mình làm cho gia đình mình, cho con cháu mình. Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ”.

- Ngày 14-3-1962: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Làm thế nào cho lạc thêm vui”, với bút danh T.L., đăng Báo Nhân dân, số 2912. Bài báo phê bình hiện tượng nhân dân Nghệ An dùng lạc phung phí trong khi đang cần tiết kiệm lạc để xuất khẩu đổi lấy máy móc và nguyên liệu. Theo tác giả, nếu các cán bộ phụ trách hiểu rõ lợi ích của việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp để giải thích cho đồng bào, nếu các cán bộ thu mua biết tổ chức khéo, làm đúng chính sách, đi đúng đường lối quần chúng thì chắc chắn đồng bào sẽ vui lòng tiết kiệm các nông sản để bán cho Nhà nước xuất khẩu. Tác giả kết luận bằng 2 câu thơ:“Làm thế nào cho “lạc” thêm vui? Đổi lấy máy móc, thì bầy tui quyết làm!”.

- Ngày 14-3-2002: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TƯ ngày 27-11-2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế.

- Ngày 14 và 15-3-2005: Tại Hà Nội, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Đại hội bầu Ban Chấp hành khoá mới gồm 11 ủy viên do Nghệ sĩ Chu Chí Thành làm Chủ tịch.

- Ngày 14-3-2014: Đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý cấp thị thực trực tuyến và Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Ngoại giao. Ngày 14-3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao khai trương và đưa vào sử dụng chính thức Hệ thống quản lý cấp thị lực trực tuyến và Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Ngoại giao thuộc Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một website chính thức với nhiều ngôn ngữ để người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài truy cập thuận tiện tìm hiểu thông tin liên quan đến xin thị thực Việt Nam, kê khai trực tuyến, đăng ký cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Hệ thống này đã cung cấp cho Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh và 95 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài một công cụ phần mềm quản lý thuận tiện trong công tác cấp phát thị thực, qua đó tăng cường và hỗ trợ tốt hơn công tác quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao trong cấp thị thực, nắm bắt tình hình xuất nhập cảnh. Hệ thống cũng giúp quy chuẩn in ấn thị thực tự động, bài bản. Thị thực Việt Nam được in thống nhất hình thức, theo chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế), tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng tại cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh.

* Nhân vật

- Ngày 14-3-1900: Ngày sinh của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ. Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh tại phố Hàng Hòm, Hà Nội. Ông là một nhà thơ trào phúng xuất sắc, một “ngòi bút chiến đấu”, góp thêm tiếng cười lạc quan vào cuộc sống và chiến đấu của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Với gần nửa thế kỷ lao động văn học bền bỉ, nhà thơ Tú Mỡ đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thơ ca trào phúng dân tộc. Trong đó phải kể đến các tác phẩm: “Dòng nước ngược”, “Nụ cười kháng chiến”, “Địch vận diễn ca”, “Anh hùng vô tận”, “Trung du cười chiến thắng”... Tú Mỡ mất năm 1976. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Ngày 14-3-1982: Ngày mất của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoài Thanh. Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15-7-1909, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Hoài Thanh được coi là một cây bút nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín, góp phần to lớn vào sự trưởng thành của ngành nghiên cứu, phê bình văn nghệ cách mạng Việt Nam. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: "Có một nền văn hoá Việt Nam" (năm 1946), "Quyền sống của con người trong Truyện Kiều" (năm 1949), "Nói chuyện thơ kháng chiến" (năm 1951), "Nam Bộ mến yêu" (năm 1955), "Phê bình và tiểu luận" (3 tập, từ năm 1960 đến năm 1971). Đặc biệt, năm 1941, ông đã cùng Hoài Chân biên soạn quyển Thi nhân Việt Nam - đây là một tác phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình đặc sắc. Năm 2010, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Theo TTXVN