Đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên những năm gần đây diễn biến phức tạp, ở nhiều lĩnh vực, với nhiều mức độ và hình thức biểu hiện. Đó là sự phai nhạt mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của cách mạng; nhận thức, quan niệm không đầy đủ, đúng đắn, thậm chí sai trái về những vấn đề cơ bản, liên quan trực tiếp đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Về đạo đức lối sống, đó là chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, vụ lợi, vị kỷ trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Nạn tham nhũng, hối lộ, bòn rút, lãng phí của công; lối sống cơ hội, buông thả; thái độ thiếu trách nhiệm với công việc được giao; nói không đi đôi với làm; nói nhiều, làm ít... khá phổ biến. Đó còn là tệ quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe và nói sự thật… tồn tại ở không ít cơ quan, ban, ngành, địa phương…

Trong nghị quyết các đại hội toàn quốc của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đều đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Đại hội VI (tháng 12-1986) đã yêu cầu trong tiến hành công cuộc đổi mới, “phải tăng cường học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã chỉ ra nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, coi đó là một trong 4 nguy cơ cần quan tâm đấu tranh, phòng chống. Các đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI và nhiều hội nghị Trung ương trong các khóa trên, Đảng ta đã đánh giá thực trạng và diễn biến của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xác định ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này là nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài, đồng thời có ý nghĩa cấp bách, trước mắt, coi đó “là một nguy cơ lớn, liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.

Ảnh minh họa: VOV

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chịu tác động mạnh của nhiều yếu tố. Hệ lụy của sự phân cực giàu nghèo, phân hóa xã hội từ mặt trái của kinh tế thị trường; sự biến đổi của cơ cấu giai cấp, xã hội, quá trình đô thị hóa; nhu cầu và lối sống thay đổi dần trong điều kiện kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng..., tác động lớn đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tăng cường thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tất cả các xu thế, yếu tố đó tác động mạnh đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội.

Về chủ quan, nguyên nhân của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên nằm trong công tác lý luận, công tác tổ chức, trong cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị và trong tổ chức thi hành pháp luật…, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ. Nguyên nhân suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn ở chỗ chưa hình thành chuẩn mực đạo đức cụ thể; chưa có các giải pháp hiệu quả hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa đối với đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội.

Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng.

...Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi cấp ủy Đảng phải luôn luôn tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng, bảo đảm chặt chẽ kỷ luật và tổ chức của Đảng”. (Hồ Chí Minh)

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã xác định 3 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp giải quyết các vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Trong số các giải pháp thuộc lĩnh vực tư tưởng, nghị quyết xác định phải “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả”. Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay.

Một là, quán triệt sâu sắc trong Đảng và xã hội về mục tiêu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt với mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài.

Mục đích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là để xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần, văn hóa của xã hội mới, đồng thời góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và xã hội hiện nay. Nhận thức rõ mục đích của việc thực hiện Chỉ thị 03, kết hợp giữa xây và chống để thấy tính thường xuyên, liên tục và lâu dài của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời góp phần phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.

Hai là, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, quan trọng của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, trong chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là cuộc chiến khó khăn để “xóa đi những gì cũ kỹ, hư hỏng, để xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi”. Để làm được việc đó phải dựa vào sức mạnh của nhân dân. Trong lãnh đạo và chỉ đạo, cấp ủy đảng các cấp phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, coi đây là công việc thường xuyên trong chương trình, kế hoạch công tác, có sự phân công, phân nhiệm, định kỳ kiểm tra, đánh giá, uốn nắn, điều chỉnh... Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nhiệm vụ của mình, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chỉ đạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong tổ chức các phong trào. Việc học tập và làm theo Bác cần đặt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên từng cương vị công tác. Cần có quy định đánh giá, xếp loại định kỳ hằng năm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ba là, cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW với các giải pháp về xây dựng Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Đảng Cộng sản tập hợp những người tiên tiến, giác ngộ nhất, nên phải là tổ chức “đạo đức và văn minh”. Tuy nhiên, các đảng viên của Đảng đang sống trong xã hội, với những quan hệ lợi ích cụ thể, chịu tác động của môi trường xã hội, nên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng là một nguy cơ, nhất là trong điều kiện của đảng cầm quyền.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định nhiệm vụ “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được xác định là một giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, kết hợp xây và chống, thực hiện nghiêm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Kết hợp giữa xây và chống là một tất yếu khách quan của quá trình xây dựng xã hội mới trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Xã hội quá độ chưa dễ dàng gột bỏ những thói quen, lối sống của xã hội tiểu nông, sản xuất nhỏ..., là cơ sở nảy sinh và lan rộng của những hiện tượng tiêu cực mới, như chủ nghĩa thực dụng, thói giả dối, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội... trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc hiện nay. Duy trì, phát triển những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, đấu tranh gột bỏ những gì cũ kỹ hư hỏng, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa của các dân tộc…, đòi hỏi tính chủ động, tự giác rất cao của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Nêu gương là một trong những nguyên tắc thực hành đạo đức trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã dạy: “Muốn người ta theo mình phải làm gương trước”. Người đề cao thực hiện “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW thời gian qua, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hành đạo đức. Nhiều nơi, cấp ủy đã ban hành những quy định cụ thể về nêu gương và chỉ đạo thực hiện, có kiểm tra, giám sát cụ thể, mang lại kết quả rất tích cực. Trước sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, vai trò nêu gương của người đứng đầu càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa rất thiết thực, như Bác Hồ đã dạy: "Một tấm gương sáng có giá trị bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Cần duy trì nghiêm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời với giáo dục, vận động, cần tăng cường đề cao kỷ luật, kỷ cương, có các biện pháp chế tài cụ thể, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm đạo đức trong Đảng và xã hội.

Năm là, thực hiện tốt, thiết thực Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện là mục tiêu, đồng thời là một quá trình lâu dài. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), trước mắt cần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội là một vấn đề lớn, cần có nhiều giải pháp, được thực hiện đồng bộ, tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài. Trong các giải pháp được xác định, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng, lâu dài để xây dựng nền tảng tư tưởng chính trị, đạo đức, tinh thần, văn hóa mới trong xã hội, đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng CNXH trên đất nước ta.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân