Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Theo Điều 4 Hiến pháp 2013 nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương, bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát. Các đảng viên của Đảng, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo đưa Cương lĩnh, chiến lược, chính sách, chủ trương vào thực hiện trong quá trình công tác của mình. Bằng cách đó, đường lối chủ trương của Đảng đi vào đời sống xã hội. Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, Đảng đã đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Quá trình lãnh đạo là quá trình xác định mục tiêu, phương pháp cách mạng; tổ chức, tập hợp, giáo dục, động viên nhân dân thực hiện các mục tiêu cách mạng mà Đảng đề ra.

Kinh nghiệm lịch sử của nhiều Đảng Cộng sản cho thấy, các đảng đã lãnh đạo tốt trong đấu tranh giành chính quyền. Sau khi trở thành các đảng duy nhất cầm quyền, việc giải quyết đúng mối quan hệ giữa lãnh đạo và cầm quyền là điều không đơn giản. Không ít đảng trên thế giới đã “biến mình” thành nhà nước, làm thay nhà nước, thậm chí bị “nhà nước hoá”; cao hơn, đảng trở thành người kiểm soát (không phải lãnh đạo) nhà nước và xã hội. Quá trình cầm quyền của các đảng cộng sản và công nhân ở Liên Xô và Đông Âu cho thấy, các đảng này đã bộc lộ không ít nhược điểm, sai lầm.

Ảnh minh họa: dangcongsan.vn.

Đối với Đảng ta, việc nhận thức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền cũng không dễ dàng. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng nhận định: "Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn lúng túng, chưa đi sâu làm rõ đặc điểm và yêu cầu về sự lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, chưa phát huy đầy đủ hiệu lực quản lý của các cơ quan Nhà nước, tính tích cực của các đoàn thể và quyền làm chủ của nhân dân".

Hiện nay, Đảng ta vừa lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vừa là đảng cầm quyền, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Một đòi hỏi có tính sống còn là phải đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền phải thích ứng với điều kiện mới, vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng theo phương thức mới, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, vừa bảo đảm ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một nhiệm vụ nặng nề và khó khăn, đòi hỏi rất cao về bản lĩnh và trí tuệ của Đảng.

Ngay từ năm 1925, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” khi đề cập đến mô hình Nhà nước trong tương lai và nhiệm vụ của nó, Hồ Chí Minh viết: “Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công-nông-binh, phát đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền…, ra sức tổ chức kinh tế mới để thực hành thế giới đại đồng”. Trước khi đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Với tư cách là “người lãnh đạo”, đảng viên của Đảng phải là người đi tiên phong, gương mẫu, dẫn dắt quần chúng theo mình. Với tư cách là “người đầy tớ”, đảng viên của Đảng là người thực thi công vụ, phục vụ nhân dân. Họ chính là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống công vụ của Nhà nước. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các tổ chức đảng và đảng viên: “Đảng cầm quyền chứ không phải đảng trị, mọi cán bộ đảng viên của Đảng phải biết tôn trọng nhà nước dân chủ nhân dân, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước”.

Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền. Điều đó có những ưu thế, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, nguy cơ. Ưu điểm, ưu thế của một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền là đảng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội. Các chủ trương, đường lối của Đảng là một trong những căn cứ chủ yếu để hoạch định chính sách công, xây dựng hệ thống pháp luật (kể cả Hiến pháp). Đảng chịu trách nhiệm trước hết và đóng vai trò quyết định trong thành tựu cũng như hạn chế của quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Quy trình ra các quyết định nhanh chóng, không bị cản trở bởi các yếu tố chính trị tiêu cực. Khi có đường lối, chủ trương đúng thì dễ dàng đạt được sự thống nhất trong động viên chính trị, đoàn kết và đồng thuận xã hội.

Tuy nhiên, nguy cơ của một đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền là dễ rơi vào xa dân, đặc quyền, đặc lợi, trách nhiệm giải trình thấp; dễ sai lầm về đường lối, mắc bệnh chủ quan, duy ý chí; hạn chế về khả năng tiếp nhận sự phản biện, phê phán từ xã hội; sự trì trệ trong phương thức lãnh đạo của Đảng...

Từ thực tiễn lãnh đạo và cầm quyền, nhất là từ thực tiễn của công cuộc đổi mới, từ những bài học của Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã nhận thức rõ yêu cầu cấp bách về đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng, coi “đổi mới phương thức lãnh đạo là một trong những nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng”.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phụ thuộc một cách quyết định vào việc Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền. Mặt khác, thành công của xây dựng Nhà nước pháp quyền phụ thuộc vào đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nền chính trị dân chủ-pháp quyền XHCN đòi hỏi phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng phải đổi mới theo hướng dân chủ-pháp quyền, phải được thể chế hóa. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng thể chế Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền có thể tiến hành theo một số hướng như sau:

- Thể chế hóa và tăng cường vai trò của Đảng trong hoạt động lập pháp và lập quy theo chuẩn mực Nhà nước pháp quyền. Liên quan đến mục 2, Điều 4, Hiến pháp 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, cần xây dựng thể chế chịu trách nhiệm về hoạt động lập pháp, lập quy với tư cách là đảng cầm quyền.

- Thông qua hệ thống bầu cử để tuyển chọn đảng viên tham gia vào các cơ quan quyền lực Nhà nước, tham gia các cơ cấu chính quyền. Trong điều kiện hòa bình, dân chủ pháp quyền, không gì tốt hơn bằng bầu cử, thông qua bầu cử để sàng lọc, tuyển chọn, sử dụng cán bộ. Vì bầu cử là sự tham gia, sự phán quyết, sự đánh giá của toàn Đảng, toàn dân; là cuộc vận động chính trị rộng rãi nhất, nơi đó thể hiện năng lực, trình độ, phẩm chất, nhân cách, kỹ năng chính trị của ứng cử viên trước nhân dân. Đảng với tư cách vừa là một bộ phận nhân dân, vừa là một lực lượng lãnh đạo, thông qua đó để tuyển chọn, đánh giá, sử dụng cán bộ.

Đảng cần tiếp tục lãnh đạo đổi mới công tác bầu cử, xây dựng hệ thống bầu cử và hoạt động bầu cử của Đảng và của Nhà nước thật chuyên nghiệp, có chế định về quyền của Đảng cử đảng viên ứng cử vào các cơ quan dân cử.

- Thể chế hóa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong hệ thống kiểm soát quyền lực Nhà nước. Hoạt động này bao gồm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của cơ quan dân cử, thanh tra Nhà nước và giám sát mang tính nhân dân (đặc biệt là thanh tra nhân dân và giám sát của các đoàn thể nhân dân, của nhân dân). Cần luật hóa vai trò, hiệu lực pháp lý của công tác kiểm tra, giám sát Đảng trong hệ thống kiểm tra, thanh tra, giám sát từ phía nhân dân đối với các hoạt động của cơ quan Nhà nước, công chức Nhà nước.

- Lãnh đạo bằng công tác tư tưởng và thể chế cầm quyền trong lĩnh vực tư tưởng. Nếu như trước đây, phương thức công tác tư tưởng của Đảng chủ yếu là tuyên truyền, cổ động…, thì hiện nay phải tăng cường giải đáp, đối thoại, thuyết phục; coi trọng việc giải đáp những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; tăng cường đưa giáo dục pháp luật, giáo dục khoa học chính trị, giáo dục kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại... vào các chương trình đào tạo cán bộ chủ chốt của Đảng. Bên cạnh đó, Đảng cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc, vận mệnh của Đảng.

- Đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước phù hợp với đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng. Trước hết là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền; nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng. Để tránh nguy cơ lạm quyền, cần thực hiện tốt hơn sự “phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực” giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thực hiện phân loại các cơ quan chức năng của đảng, các loại tổ chức đảng; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo của các tổ chức đảng, các cơ sở đảng. Các nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng phải không trùng với các nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Tăng cường đổi mới mô hình tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước từ tập trung quan liêu, sang phục vụ nhân dân; từ hệ thống công vụ ngạch, bậc, sang mô hình vị trí việc làm.

Bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở cần được tổ chức theo chức năng phục vụ các nhu cầu của người dân; trên cơ sở đó, tổ chức các cơ quan có chức năng phù hợp, trong từng cơ quan hành chính Nhà nước sẽ chỉ tuyển dụng nhân sự đúng vị trí việc làm. Một hệ thống hành chính như vậy sẽ gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; lấy hiệu quả việc phục vụ nhân dân làm thước đo năng lực, phẩm chất, cống hiến; hạn chế những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể tinh giản được biên chế, có thêm ngân sách để trả lương xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhân dân sẽ thêm tin tưởng vào một nền hành chính hiệu quả, dân chủ, minh bạch, thuận tiện, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng cầm quyền.

Cần coi trọng xây dựng thể chế, đầy đủ, chắc chắn cho tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội, trong hệ thống thể chế đó, pháp luật là tối thượng. Cần cụ thể hóa Điều 4 Hiến pháp năm 2013 bằng một bộ luật về sự lãnh đạo của Đảng. Điều này là cần thiết, không chỉ nâng cao tính chính đáng cho vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn tạo ra các cơ sở pháp lý cho vai trò cầm quyền của Đảng.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân