Sáng tạo, chủ động, kịp thời -Bài học kinh nghiệm nhìn từ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam; mở ra những trang sử vàng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhìn nhận từ lăng kính lịch sử, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam để lại cho chúng ta nhiều bài học quý trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng nhất là bài học về sáng tạo, chủ động, kịp thời gắn liền với vai trò đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Sáng tạo trong vận dụng nguyên lý thành lập Đảng của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin

Quyết tâm tìm đường cứu nước với hành trang là tinh thần yêu nước, yêu đồng bào và tư chất thông minh; tham gia thực tiễn đấu tranh của nhân dân lao động ở nhiều nước Á, Phi, Mỹ La-tinh, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc sớm nhận rõ tính tất yếu phải thành lập ra chính đảng vô sản. Ngay từ năm 1924, trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Người đã chỉ rõ: “Cách mệnh… trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(1). Cùng với đó, Nguyễn Ái Quốc cũng thấm nhuần chỉ dẫn của V. Lê-nin về vận dụng lý luận Chủ nghĩa Mác vào thực tiễn đấu tranh cách mạng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm… cần phải phát triển về mọi mặt, nếu không muốn trở thành lạc hậu với đời sống”(2). Vậy nên Người đã hết sức sáng tạo trong việc thành lập Đảng của giai cấp vô sản tại Việt Nam.

Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chỉ ra quy luật ra đời của Đảng Cộng sản là sự kết hợp giữa lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân. Song, đối chiếu với đặc điểm xã hội, cơ cấu giai cấp ở Việt Nam những năm 20 của thế kỷ trước thì để thực hiện được quy luật này là một vấn đề không đơn giản. Bởi thời điểm đó, Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân còn rất non trẻ, chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số… Trong điều kiện đó, với nhãn quan chính trị sắc bén, Nguyễn Ái Quốc đã có sự sáng tạo độc đáo khi đưa ra chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Với sự kết hợp này, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là Đảng của dân tộc Việt Nam; lực lượng để thực hiện các nhiêm vụ cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng không chỉ là giai cấp công nhân mà còn là tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, các thành phần dân tộc;… Vì vậy, đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam mà còn là đóng góp quan trọng của Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc. Như Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Phi-đen Cát-xtơ-rô đã khẳng định: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cần thiết để giải thoát sự bóc lột xã hội”(3).

Nhìn nhận từ góc độ cách mạng giải phóng dân tộc, ngay việc đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thể hiện rõ nét sáng tạo trong tư duy cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Trong khi Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập một Đảng Cộng sản chung cho 3 nước Đông Dương thì Người phân tích: “Cái từ Đông Dương rất rộng…, vấn đề dân tộc là vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng… Còn cái từ An Nam thì hẹp, mà nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó, từ Việt Nam hợp với cả ba miền và cũng không trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lê-nin về vấn đề dân tộc”(4). Tính đúng đắn, khoa học trong những sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở một nước phong kiến nửa thuộc địa và chủ trương giải quyết vấn đề Đảng trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới thế kỷ XX kiểm chứng, khẳng định. Và đây chính là một cống hiến quan trọng của Người trong kế thừa và vận dụng sáng tạo kho tàng lý luận Mác - Lê-nin.

Chủ động chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng từ rất sớm

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa truyền thống yêu nước nghìn đời của dân tộc và bám sát đặc điểm mọi mặt của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm chủ động chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược, công tác chuẩn bị đã được Người thực hiện một cách toàn diện, đầy đủ cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức để góp phần kết hợp cùng các nhân tố khách quan tạo thành điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng.

Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước, khi được tiếp cận với Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V. Lê-nin, với nhận định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(5), Nguyễn Ái Quốc đã thông qua nhiều hoạt động như viết báo, viết sách, mở lớp huấn luyện để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào trong nước đồng thời đấu tranh vạch trần tội ác của chủ nghĩa đế quốc tại các nước thuộc địa, phụ thuộc trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách Đường Cách Mệnh được Người viết trong giai đoạn này đã chứa đựng những nội dung cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về con đường giải phóng dân tộc gắn với nhiệm vụ cách mệnh ở Việt Nam. Song song với đó, công tác chuẩn bị về tổ chức cũng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thực hiện có hiệu quả. Sau khi thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á - Đông để thống nhất hành động chống chủ nghĩa thực dân, tháng 6-1925, Người thành lập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên), tổ chức hạt nhân là “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam. Từ đó, Người cũng mở nhiều lớp huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc). Học viên là những thanh niên Việt Nam yêu nước và cấp tiến, vốn xuất thân là học sinh, trí thức. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và là giảng viên chính của các khóa học. Các học viên được học về “con đường cách mệnh”, học làm cách mệnh, cách hoạt động bí mật,… Sau các khóa học này, nhiều người đã được chọn đi học ở Trường đại học Phương Đông (Liên Xô), một số được cử đi học quân sự. Phần lớn họ sau này được đưa về nước hoạt động, “học xong họ lại bí mật về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc, và tổ chức nhân dân”(6). Họ đã trở thành những những chiến sĩ cách mạng kiên trung, có nhiều đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu như Lý Tự Trọng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai,…

Chính việc chủ động chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã góp phần quyết định tạo ra những điều kiện cần và đủ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Nhạy bén, kịp thời đáp ứng đòi hỏi tất yếu của lịch sử

Lịch sử đã chứng minh, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phát huy truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh chống ngoại xâm và phong kiến tay sai. Song các phong trào yêu nước đều không giành được thắng lợi do không có con đường đấu tranh đúng đắn. Đầu năm 1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại đã kéo theo sự tan rã của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng, đồng thời đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam. Cách mạng Việt Nam lúc đó đã thực sự rơi vào khủng hoảng đường lối lãnh đạo. Đòi hỏi tất yếu lịch sử đặt ra là phải có đường lối lãnh đạo đúng đắn để giương cao ngọn cờ chính nghĩa, tập hợp các lực lượng cách mạng tiến tới giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Trong bối cảnh đó, đầu năm 1929, phong trào cộng sản ở Việt Nam tuy có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng đã xuất hiện nhiều biểu hiện phân hóa, chia rẽ trong nội bộ những người cộng sản. Đặc biệt, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phân liệt dẫn đến sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6-1929) và An Nam Cộng sản Đảng (tháng 8-1929). Sau khi ra đời, hai đảng này đã hoạt động riêng lẻ và phê phán nhau có tính biệt phái. Sau đó, tháng 9-1929, bộ phận những người tiên tiến trong Đảng Tân Việt cũng tập hợp lại và tuyên bố chính thức thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong xác lập vị trí của phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản trên vũ đài chính trị Việt Nam, sự vận động nêu trên cũng cho thấy sự phân hóa khá sâu sắc ngay trong hàng ngũ những người đã giác ngộ lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nhận rõ sự cấp bách đó, cuối tháng 11-1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ Thái Lan trở về Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ lịch sử là thống nhất các tổ chức cộng sản nhằm chấm dứt sự biệt phái của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Với tư cách là Phái viên của Quốc tế Cộng sản và bám sát phương châm: “cảnh giác, đề phòng những hành vi chia rẽ các nhóm cũ mang vào trong Đảng Cộng sản, cốt sao để sau trong Đảng Cộng sản không còn có những sự bất đồng và tranh chấp giữa các nhóm”(7), Người đã triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn để bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Chính từ sự nhạy bén chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng họp từ ngày 06-01-1930 tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc) với sự hiện diện của Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh là đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu là đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng (đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn do sang muộn nên không tham dự). Tại Hội nghị, với vai trò là Phái viên của Quốc tế Cộng sản và bằng thái độ chân thành, thuyết phục, Người đã chỉ rõ những sai lầm, hệ quả từ sự chia rẽ của những người cộng sản. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đồng thuận quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng chung với tên gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của lịch sử dân tộc. Hội nghị cũng thống nhất thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (gồm có Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo). Cùng với việc thành lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, Hội nghị cũng quyết định tổ chức ngay Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Tương tế, Hội Phản đế,… và thông qua Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng. Ngày 03-02-1930 chính thức đi vào lịch sử dân tộc là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Hội nghị này, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, ngày 24-02-1930, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp quyết định để Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến đây, với tư duy nhạy bén, kịp thời của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, việc thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản đã hoàn tất. Từ đây, tình trạng khủng hoảng thiếu đường lối lãnh đạo của cách mạng Việt Nam cũng chấm dứt.

Nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã nêu ra giả thuyết, “nếu không có sự sáng tạo, chủ động, nhạy bén của Nguyễn Ái Quốc, nếu không có Hội nghị thành lập Đảng hoặc giả như Hội nghị đó diễn ra muộn hơn thì lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam sẽ như thế nào?” Thiết nghĩ câu trả lời đã có ngay trong chính thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam gần 85 năm qua, từ khi có Đảng. Ra đời từ sự sáng tạo, chủ động, kịp thời của những người cộng sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn là ngọn cờ cách mạng đúng đắn, tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng đứng lên tranh đấu vì mục tiêu “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng với những chiến công vang dội từ thắng lợi Cách mạng tháng 8-1945 đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc, cả nước vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước sự vận động không ngừng của điều kiện thế giới và khu vực, việc nghiên cứu, vận dụng bài học về sự sáng tạo, chủ động, kịp thời nhìn từ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở nắm vững nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần linh hoạt, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, đó là điều kiện tiên quyết để nước ta tranh thủ những thời cơ, vượt qua thử thách để hội nhập và phát triển.

Nguồn Tạp chí Cộng sản

Chú thích

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, t. 01, tr. 268

(2) Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t. 4, tr. 232

(3) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ Tịch, Nxb. Sự Thật, H, 1999, tr. 78

(4) Vấn đề thống nhất các tổ chức cộng sản, tr. 25, Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 2, tr. 268

(6) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Nxb. Văn Nghệ, H, 1956, tr. 71

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1999, t. 4, tr. 404