Tăng cường công tác kế hoạch và điều hành vốn đầu tư

(NTO) Theo chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, một trong những giải pháp hiệu quả để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đó là tăng cường quản lý chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư; công tác kế hoạch và điều hành các nguồn vốn phải hợp lý, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 
Hồ Sông Sắt có sức tích chứa 69,33 triệu m3 nước
phục vụ tưới cho hơn 3.800 ha đất nông nghiệp tại huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên

Năm 2014, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển do tỉnh ta quản lý là 2.800 tỷ đồng, gồm: Vốn Trung ương giao cho tỉnh 2.575 tỷ đồng, các nguồn vốn khác do tỉnh giao 175 tỷ đồng và vốn các doanh nghiệp nhà nước 50 tỷ đồng. Các nguồn vốn sau khi được Trung ương giao, UBND tỉnh đã triển khai phân bổ kịp thời cho các địa phương và quản lý, bố trí để thực hiện 64 công trình, với tổng vốn trên 1.422,4 tỷ đồng. Trong đó, có 40 công trình chuyển tiếp, với tổng vốn trên 1.292,4 tỷ đồng, khởi công mới 24 công trình, với tổng vốn gần 130 tỷ đồng. Với sự quản lý đầu tư chặt chẽ, bố trí kế hoạch vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đến nay qua rà soát tiến độ có 21 công trình đã thi công hoàn thành, 42 công trình đang tổ chức thi công và 1 công trình chưa khởi công (Dự kiến đến hết năm 2014 sẽ có thêm 12 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng tổng số công trình hoàn thành lên 33 công trình).

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, sở dĩ số công trình hoàn thành trong năm 2014 không nhiều là do năm nay tỉnh ta ưu tiên tập trung vốn thanh toán cho nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) khá lớn. Mặt khác, các công trình chỉ được thực hiện trong phạm vi kế hoạch vốn được giao theo quy định để tránh phát sinh nợ đọng mới. Tính đến thời điểm tháng 12, tổng nguồn vốn tỉnh ta đã giải ngân trên 2.198,2 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch (nếu không kể các nguồn vốn mới giao bổ sung trong 6 tháng cuối năm 2014 thì tỷ lệ giải ngân đạt 92,6%); trong đó, có một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân cao như: Xổ số kiến thiết (96,4%), vốn hỗ trợ có mục tiêu (86,4%), trái phiếu Chính phủ (94,6%) và dự kiến đến cuối năm tỉnh ta sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định.

 
Đường Lê Duẩn, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Với nguồn vốn phân bổ 630 tỷ đồng (vốn ngành, tỉnh, Trung ương 335 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý 45 tỷ đồng và vốn trong nhân dân, các thành phần kinh tế đóng góp 250 tỷ đồng), trong năm qua, địa phương đã giao cho các cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư chủ động triển khai xây dựng 60 công trình thuộc các lĩnh vực: Phát triển điện lưới, đường giao thông, giáo dục, y tế, thủy lợi…, với tổng nguồn vốn trên 52,4 tỷ đồng. Nhờ thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư và bố trí kế hoạch vốn, đến nay đã có 56 công trình hoàn thành, với tổng vốn giải ngân trên 41,7 tỷ đồng, đạt 79,6% kế hoạch vốn. Điểm đáng lưu ý là số công trình hoàn thành đều phát huy tốt tác dụng, không có công trình nào phải dừng dỡ dang, gây lãng phí.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng Trung ương vẫn quan tâm giao nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh ta trong năm 2015 lên 8.760 tỷ đồng, tăng 15,1% so với 2014. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước 3.085 tỷ đồng, chiếm 35,2% và vốn FDI, vốn các thành phần kinh tế và dân cư 5.675 tỷ đồng, chiếm 64,8%. Từ số vốn này, tỉnh ta xác định tăng cường đầu tư lĩnh vực xã hội chiếm 25,8%, tăng đầu tư quốc phòng-an ninh 5,9% và tăng vốn phân cấp cho các huyện, thành phố 28%. Đặc biệt, việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ phải đảm bảo 2 mục tiêu cơ bản là thanh toán nợ đọng XDCB và đáp ứng yêu cầu phát triển, trong đó về phương án trả nợ, tỉnh xác định sẽ bố trí 43,285 tỷ đồng để thanh toán dứt điểm 38 công trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg.

Đối với các dự án khởi công mới, tỉnh xác định chỉ bố trí vốn cho các dự án thật sự cấp bách, đảm bảo tổng vốn bố trí cho từng dự án tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A, 20% đối với dự án nhóm B và 35% đối với dự án nhóm C. Tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn cho Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, huyện mới tái lập, huyện thuộc diện 30a, cho các vùng còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.