Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 6-12

* Sự kiện:

Ngày 6-12-1953: Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tấn công thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, “đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết những câu thơ mô tả sinh động những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ nhưng hào hùng: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/chiến sĩ anh hùng/đầu nung lửa sắt/56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…

Từ 6 đến 9-12-2001: Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13.Với chủ đề ‘Vì một nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, liên hoan được tổ chức tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), với sự tham dự của 12 phim truyện nhựa, 22 phim truyện video, 57 phim tài liệu khoa học và 14 phim hoạt hình của 24 đơn vị sản xuất phim trong cả nước. Kết quả: Ban Tổ chức trao giải thưởng Bông sen vàng cho 7 phim, giải thưởng Bông sen bạc cho 8 phim; 17 phim được trao giải của Ban giám khảo, và 3 phim được trao giải chất lượng kỹ thuật cao nhất. Ngoài ra, có 30 giải được trao cho các cá nhân xuất sắc nhất.

Ngày 6-12-2004: Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép thận cho một bệnh nhi. Bệnh nhi được ghép thận tên là Nguyễn Hữu Hiệp (12 tuổi, quê ở Hải Dương) được chẩn đoán là bị viêm cầu thận cấp và suy thận mãn tính. Người cho thận là cha đẻ của bệnh nhân, anh Nguyễn Hữu Hùng, 45 tuổi. Tham gia ca mổ-ghép có: Giáo sư Jean Conté (chuyên gia của Pháp), PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm (Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) cùng hơn 30 bác sĩ, y tá của Việt Nam. Chi phí ca mổ-ghép này khoảng 200 triệu đồng và hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân.

Ngày 6-12-2009: Tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Gala trao giải Liên hoan âm nhạc học sinh, sinh viên lần thứ nhất, nhằm khuyến khích hình thành và phát triển các giọng ca, ban nhạc, nhóm nhạc trẻ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt âm nhạc của giới trẻ. Đây là lần đầu tiên tổ chức liên hoan âm nhạc học sinh, sinh viên Việt Nam.

Ngày 6-12-2012: Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hàng nghìn năm qua, người dân Phú Thọ và nhân dân khắp mọi miền của Tổ quốc đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ đời này qua đời khác để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ, mong ngài phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10-3 (âm lịch) hàng năm.Việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận cho thấy thế giới thừa nhận và đánh giá cao đời sống tâm linh của người Việt Nam vốn đã có từ hàng nghìn năm nay.

Theo TTXVN