Công tác quản lý nhà nước về Tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh

(NTO) Tần số vô tuyến điện có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội, cùng với sự phát triển, bùng nổ của thông tin vô tuyến điện ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh làm cho nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện ngày càng cao; tần số vô tuyến điện ngày càng được ứng dụng rộng rãi và đã trở thành tài nguyên của quốc gia, do đó phải quản lý sử dụng nguồn tài nguyên này một cách khoa học, hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập của đất nước.

Đối với tỉnh ta, công tác quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện thực sự được quan tâm từ khi Sở Bưu chính, Viễn thông (nay là Sở Thông tin và Truyền thông, ra đời vào năm 2005). Đến nay công tác quản lý tần số vô tuyến điện đã phát huy được hiệu quả trong đời sống xã hội cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, ý thức chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp; đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin liên lạc, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Cán bộ kỹ thuật kiểm soát tần số vô tuyến điện.

Đến tháng 12-2014, trên địa bàn tỉnh có 363 tổ chức, cá nhân được cấp Giấy cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, trong đó có: 6 doanh nghiệp thông tin di động, 3 Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC), 1 Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, 6 Đài Truyền thanh cấp huyện, 36 Đài truyền thanh cơ sở, 285 thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá phục vụ đánh bắt hải sản, 26 tổ chức, cá nhân sử dụng mạng dùng riêng (máy bộ đàm) để điều hành công việc nội bộ: Taxi, siêu thị, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, v.v... Ngoài ra còn có hàng ngàn thiết bị ứng dụng vô tuyến điện được sử dụng có điều kiện.

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, đồng thời cũng có văn bản hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định Luật Tần số vô tuyến điện như: Việc thực hiện quy hoạch băng tần cho các đài truyền thanh không dây cấp xã; thủ tục cấp giấy phép; thu và nộp lệ phí… Hàng năm, Sở đã phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII - Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức các Hội nghị phổ biến Luật Tần số vô tuyến điện; triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; qua đó, việc nhận thức, hiểu biết của các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến rõ nét, việc chấp hành các quy định của pháp luật được tốt hơn.

Để tăng cường công tác quản lý về sử dụng thiết bị và tần số vô tuyến điện, ngày 3-12-2014, Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức luân phiên Hội nghị giao ban công tác phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện 7 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2014 nhằm tổng kết, đánh giá công tác phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2015.

Trong thời gian tới, để công tác quản lý về tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao đòi hỏi các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tần số vô tuyến điện và các quy định có liên quan cho các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tăng cường công tác kiểm soát, xử lý can nhiễu, cấp phép sử dụng tần số; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về sử dụng thiết bị và tần số vô tuyến điện.