Vấn đề hôm nay:

Cảnh giác với hàng gian, hàng giả!

(NTO) Còn chưa đầy một tháng nữa là đến tết Dương lịch và đây không chỉ là thời điểm làm ăn của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh… mà còn là cơ hội của hàng giả, hàng nhái xâm nhập “sâu” vào thị trường để đánh lừa người tiêu dùng, thu lợi”khủng”. Điều đáng nói là không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt, mà còn làm hại đến những cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh làm ăn chân chính, sâu xa hơn còn gây tổn thất không nhỏ đến nền kinh tế của đất nước.

Gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là tại các thị trấn, trung tâm xã, một số tuyến phố ở Phan Rang-Tháp Chàm các “cửa hàng” lưu động bày bán cả ngày lẫn đêm từ quần áo, mắt kính các loại đến… những mặt hàng thiết yếu mà người tiêu dùng cần trong sinh hoạt thường ngày. Nhiều nơi “trưng” bảng hàng công ty giảm giá nhưng công ty nào, ở đâu không rõ và nếu có hỏi thì cũng “lập lờ đánh lận” người mua.

Người tiêu dùng mua nón bảo hiểm giá rẻ bày bán trên các vỉa hè. Ảnh: Sơn Ngọc

Phải nói một cách cân phân là hàng hóa không chỉ đa dạng mẫu mã từ “thượng vàng” đến “hạ cám” nhưng giá cả thì… rất “mềm”, chỉ cần vài chục đến trăm ngàn đồng là có thể mua được món hàng ưa thích với mọi lứa tuổi. Không chỉ có ở các điểm bán vỉa hè mà tại các cửa hàng, cửa hiệu, các chợ tỉnh, chợ huyện, xã… hàng giả thương hiệu, nhãn hiệu; hàng nhái với hàng chính hãng… từ thấp cấp đến cao cấp với nhiều chủng loại: hàng điện tử, hàng may mặc, gia dụng, kính mắt, đồng hồ… cũng xuất hiện chẳng khác nào mê trận và giá cả cũng “trên trời dưới biển” không biết đâu mà lần. Theo những hộ kinh doanh giàu kinh nghiệm thì “tuyệt chiêu” của hàng giả, hàng nhái là giống… trên cả hàng thật mà ngay cả người trong nghề nhiều khi cũng bị “lầm hàng”!. Cho nên, nếu không phải là người “sành điệu” thì người tiêu dùng rất khó có đầy đủ kiến thức để phân biệt thật, giả. Có người còn ví von: Nếu cùng thời thì cụ “Bao Công” cũng bó tay trong thúc thủ chứ chẳng chơi!.

Vậy liệu có “trừ” được tệ nạn này?. Quả thực để tìm câu trả lời cũng không phải là dễ bởi lẽ nạn “buôn gian, bán lận” không chỉ hoạt động đơn lẻ mà có cả hệ thống và cũng không loại trừ còn có sự tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên lực lượng chức năng. Do vậy, yêu cầu đặt ra là một mặt cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, nhất là quản lý thị trường trong việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển… qua đó phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái… để xử lý nghiêm khắc. Mặt khác, các cơ sở cũng cần nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất, giá thành hạ… để đáp ứng theo nhu cầu thị trường đang cần. Các cơ sở kinh doanh cần tích cực tham gia phòng, chống, “nói không” với hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt là người tiêu dùng cần tự trang bị kiến thức cần thiết để tránh là “nạn nhân”, là “chùm khế ngọt” để các đối tượng làm ăn gian dối khai thác làm giàu, “tiền mất” nhưng “tật lại mang”. Hơn thế nữa cần quyết liệt tẩy chay các điểm bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ!. Có thực hiện đồng bộ như vậy mới mong đẩy lùi được tệ nạn nói trên, nhất là trong dịp tết Dương lịch và Nguyên đán sắp tới!.