Vấn đề hôm nay:

Tưởng nhỏ mà… không nhỏ!

(NTO) Thực hiện Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp” năm 2014 theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp”, có thể nói các địa phương trong tỉnh đã và đang rốt ráo triển khai trong đó tập trung “cao độ” vẫn là Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm để phấn đấu nâng cấp đô thị lên loại II năm 2015.

Trong 3 tiêu chí của Đề án thì mảng “xanh” đứng hàng đầu, bởi lẽ cây xanh không chỉ có chức năng làm đẹp mà còn là “lá phổi” hay còn được xem là “nhà máy lọc” không khí để làm sạch môi trường vốn ngày càng bị ô nhiễm trước đà phát triển của kinh tế nói chung và đời sống xã hội. Theo kế hoạch thì năm nay ngoài cây hoa được tính đến con số triệu thì còn có hàng chục ngàn cây xanh được trồng trên các tuyến đường trung tâm, đường mới mở, các khu du lịch, di tích… Có địa phương còn mong muốn chọn những loại cây mang tính đặc trưng, vừa thích nghi với khí hậu vừa là “nét riêng” của từng tuyến đường và từng vùng. Tuy nhiên, giữa mong muốn với hiện thực còn khoảng cách khá xa do… kinh phí đầu tư không đáp ứng kịp. Mặt khác, khâu quy hoạch trồng còn nhiều điều đáng nói… dẫn đến “lực bất tòng tâm”.

Công nhân bảo vệ cây xanh tạo cảnh quan đô thị xanh- sạch- đẹp.
Ảnh: Sơn Ngọc

Vậy là chỉ cần có cây trồng là tốt miễn sao cây mau lớn, tạo thành “mảng màu” xanh điểm xuyết trong bức tranh chung của địa phương là được rồi!. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy chọn cây, trồng cây đã khó nhưng để giữ được cây xanh càng… khó hơn. Đi qua nhiều tuyến trường trong thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cũng như trung tâm các huyện… điều dễ nhận ra đó là cây lớn không đều, có nhiều cây chỉ còn trơ gốc hoặc trơ cành, mất ngọn!. Tác nhân gây ra “hậu quả” này không gì khác mà chính là ý thức của nhiều người chưa cao. Trong số này có không ít trẻ con nghịch, phá và gia súc chăn thả rong gặm cả lá, ngọn do cây trồng không được rào chắn. Về chủ quan, để xảy ra tình trạng này là lỗi của đơn vị trồng nhưng lại không chú ý đến phần chăm sóc. Có nơi chỉ đào lỗ đặt cây xuống là xong, “sống chết”… mặc cây. Vậy nên chỉ một thời gian ngắn sau là “trở lại nguyên trạng” hoặc cây có sống cũng không nguyên vẹn, chậm phát triển vì thiếu nước, thiếu phân…

Câu chuyện trồng cây gắn với cọc giữ, rào bao… dường như là “quy trình” có từ xa xưa nhưng nay lại “đổi mới”, thậm chí còn không có cả cọc cắm để giữ cây đứng thẳng huống chi là rào chắn !. Trồng xong bỏ… dãi ai chăm thì tùy. Làm ăn kiểu “vô chủ” này thì không những cây chậm lớn mà tỷ lệ sống cũng không thể cao được... Hóa ra, chuyện trồng cây tưởng là nhỏ nhưng thực tế lại không nhỏ chút nào như đã nêu trên và liệu có nên xem đây là một kiểu lãng phí không?