Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy nhận định: Nhìn lại từ đầu năm đến nay, có thể thấy rõ kinh tế Thuận Nam đã phát triển và chuyển dịch theo hướng tích cực. Dù mục tiêu phát triển đến năm 2020 là xây dựng huyện thành vùng trọng điểm công nghiệp phía Nam của tỉnh, nhưng trước mắt Thuận Nam vẫn lấy nông nghiệp là ngành sản xuất chính, thủy sản là trọng tâm, làm tiền đề để tạo sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu kinh tế.
Mùa thu hoạch cá cơm của ngư dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Miên
Trên lĩnh vực nông nghiệp, nhờ chủ động điều tiết nước hợp lý giữa các hồ, đập trên địa bàn và áp dụng các mô hình canh tác hiệu quả nên sản xuất đã phát triển, các loại cây trồng đều tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng, riêng vụ mùa, diện tích cây trồng tăng 2,7 lần so với kế hoạch. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, bán thâm canh và vỗ béo gia súc. Sản lượng hải sản khai thác tính đến cuối tháng 10 đạt 45.450 tấn, vượt 3,3% kế hoạch năm; về nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, đã thu hoạch tôm thịt đạt 3.828 tấn và sản xuất tôm giống đạt 1,790 tỷ con. Hoạt động thương mại, dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp tương đối ổn định; giá trị sản xuất đã tăng 16,8% so với cùng kỳ. Các ngành, nghề truyền thống (sản xuất muối, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, sửa chữa cơ khí tàu thuyền, chế biến thủy sản...) duy trì và có bước phát triển. Thu ngân sách trong 10 tháng vượt 19% dự toán năm và tăng 37% so với cùng kỳ. Hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; chính sách xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt thấp; kinh tế tuy có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện Thuận Nam. Đơn cử tổng giá trị sản xuất các ngành của toàn huyện có mức tăng bình quân thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 18,6%/năm mà NQ Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đề ra; công nghiệp và xây dựng bước đầu đã chuyển dịch đúng hướng nhưng đến nay chưa đạt mục tiêu chiếm tỷ trọng 44,13% trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản vẫn còn cao; thương mại, dịch vụ chuyển dịch chậm; việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều. Về mặt xã hội, an ninh nông thôn còn diễn biến phức tạp, nhất là việc tập trung đông người gây bất ổn định trật tự xã hội.
Phát triển chăn nuôi gia súc có sừng góp phần nâng cao đời sống nông dân huyện Thuận Nam.
Để khắc phục mặt hạn chế, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, theo đồng chí Nguyễn Văn Thành, từ nay đến cuối năm Thuận Nam tập trung giải pháp ổn định kinh tế, phấn đấu có mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Về nông nghiệp, tập trung chỉ đạo chăm sóc vụ mùa và chuẩn bị sản xuất vụ đông-xuân, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đúng theo lộ trình. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng để đến năm 2015 đạt giá trị sản xuất 1.253 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 44% trong cơ cấu kinh tế huyện. Đối với thương mại, dịch vụ, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đảm bảo đạt tổng giá trị sản xuất 810 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29% cơ cấu kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%. Tiếp tục triển khai các công việc liên quan dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và các dự án lớn đầu tư trên địa bàn. Về xã hội, giữ vững ổn định an ninh nông thôn, giải quyết các vụ việc bức xúc ngay từ cơ sở.
Từ nay đến cuối năm, thời gian còn lại đã cận kề nên Huyện ủy, UBND huyện Thuận Nam đang quyết liệt chỉ đạo tăng tốc, tạo điều kiện tối đa để thu hút và kêu gọi các nhà đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ngoài tập trung lãnh đạo chuyển dịch kinh tế đúng hướng; Thuận Nam tranh thủ sự hỗ trợ và quan tâm của các ngành, các cấp; huy động các nguồn lực sẵn có và nguồn lực bên ngoài để thực hiện các chương trình dự án đúng theo quy hoạch. Đặc biệt là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển các dịch vụ, ngành nghề sản xuất phục vụ cho phát triển kinh tế biển.
Bạch Thương