Bà Sử Thị Kim Loan: Vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo

(NTO) Thôn Như Bình hiện có 367 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc Kinh và Chăm, trong đó đồng bào Chăm chiếm khoảng 95%. Những năm gần đây, thôn Như Bình đang “thay da đổi thịt”: hơn 80% đường nội thôn đã được bê-tông; thôn không còn nhà dột nát, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,6%; đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đây là kết quả của sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa, giảm tỉ lệ phát triển dân số… mà người khởi xướng, đi đầu của những việc làm này chính là Bí thư Chi bộ Sử Thị Kim Loan. Bà cho biết, bất cứ việc gì lúc ban đầu triển khai đều gặp khó khăn vì người dân ngại thay đổi, sợ rủi ro. Chính vì vậy, bà phải vận động cán bộ, đảng viên và chính bản thân mình thực hiện trước.

Bà Sử Thị Kim Loan.

Cụ thể như việc ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” và “gieo sạ hàng” trong sản xuất lúa, bà là một trong những hộ dân đầu tiên của thôn thực hiện. Sau vụ thu hoạch đầu tiên cho năng suất cao vào năm 2011, người dân trong thôn mới tin tưởng và đồng loạt ứng dụng. Đến nay, 50% diện tích gieo trồng lúa của người dân thôn Như Bình đã ứngdụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, gieo sạ hàng… Đa số người dân đã mua giống xác nhận để gieo trồng, hạn chế tối đa không lấy lúa thịt làm lúa giống nên năng suất lúa bình quân đã đạt từ 65-70 tạ/ha. Các mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại hộ gia đình như: nuôi cừu, heo, gà, vịt… đang phát triển mạnh. Để phong trào toàn dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được nhân rộng, có hiệu quả và bền vững, Bí thư Chi bộ Sử Thị Kim Loan luôn chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, phân công trách nhiệm cụ thể như: nông dân phụ trách hướng dẫn khâu chăn nuôi, trồng trọt; thanh niên phụ trách công tác khuyến học, giáo dục; phụ nữ đảm nhiệm các nguồn vốn vay, thành lập CLB, mô hình tổ nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế và công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Từ các nguồn vốn vay và sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, các hộ dân trong thôn đã từng bước ổn định sản xuất, có công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập.

Theo bà Loan thì một trong những nhiệm vụ quan trọng, được xem là đòn bẩy để thực hiện xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế của thôn chính là công tác DS-KHHGĐ. “Người dân Như Bình trước đây đa số đều sinh đông con, tốc độ phát triển dân số nhanh khiến cuộc sống kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nên đến nay đa số các cặp gia đình trong độ tuổi sinh đẻ đã thực hiện tốt KHHGĐ, tỷ lệ phát triển dân số hiện chỉ còn 1%”- Bà Loan cho biết. Hiện tại, thôn có 13 mô hình CLB và tổ, nhóm như: CLB Phụ nữ “5 không, 3 sạch”, CLB Phụ nữ giúp nhau tín dụng, Phụ nữ giúp nhau thoát nghèo, CLB giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, CLB dòng tộc nữ khuyến học, tổ Khuyến nông… đây chính là những hạt nhân tuyên truyền nâng cao nhận thức và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Như Bình đã đóng góp cùng Nhà nước bê-tông hóa được 7 tuyến đường nội thôn, với tổng chiều dài trên 2.000 m.

Nguyên là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Thái với hơn 10 năm làm công tác đoàn thể, 2 nhiệm kỳ liền là Bí thư Chi bộ thôn, bà Sử Thị Kim Loan là cán bộ, đảng viên gương mẫu, đầy nhiệt huyết luôn được nhân dân tin yêu.