Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Hà Công Long phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Mở rộng thẩm quyền điều tra của VKSNDTC
Theo Điều 20 Dự thảo quy định rõ: “Cơ quan điều tra của VKSNDTC, Cơ quan điều tra của VKS quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, VKS, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”, thay vì quy định như Luật hiện hành: “điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện: Nếu cơ quan điều tra của VKSNDTC chỉ có thẩm quyền điều tra như quy định hiện hành thì qua thực tiễn cho thấy việc làm rõ hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ gặp khó khăn do Cơ quan điều tra này không đồng thời được điều tra hành vi phạm tội khác mà hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ vụ án, để ra bản án, quyết định trái pháp luật dẫn đến oan, sai). Đồng thời, kết quả giám sát còn cho thấy ngoài cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp thì người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (như người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành một số hoạt động điều tra) cũng có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhục hình, làm sai lệch thông tin tội phạm, bắt giữ người trái pháp luât…). Vì vậy, quy định như trên là để bảo đảm chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp có hiệu quả, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.
Tán thành việc giao cơ quan điều tra của VKS điều tra những vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp, tuy nhiên, theo ĐB Hà Công Long (Gia Lai), với quy định như trong dự thảo luật thì chưa giải quyết được triệt để những vướng mắc của hoạt động điều tra của cơ quan điều tra VKS. Sở dĩ như vậy là vì theo chương về tội phạm chức vụ trong Bộ luật Hình sự, ngoài mục a các “ tội tham nhũng” còn có mục b “các tội phạm khác về chức vụ” mà trong thực tiễn hoạt động tư pháp, đã xảy ra nhiều vụ cán bộ các cơ quan tư pháp làm lộ bí mật công tác như làm lộ thông tin bắt tạm giam, khám xét, kê biên dẫn đến người phạm tội chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình là vụ án Dương Chí Dũng. Ngoài ra, còn rất nhiều những hành vi như môi giới hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tư pháp chiếm đoạt tài sản mà xã hội chúng ta thường gọi là “chạy án”.
Theo ĐB Long, đây là những tội phạm thật sự xâm phạm đến trật tự hoạt động tư pháp. Nếu cơ quan điều tra của VKSND không được giao thẩm quyền điều tra những tội phạm nêu trên, thì VKSND khó có thể bảo đảm thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố vốn là mục tiêu của cải cách tư pháp cũng như yêu cầu của việc sửa đổi luật này là khắc phục những vấn đề khó khăn, bất cập trong thực tiễn.
“Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo luật giao cho cơ quan điều tra VKS điều tra một số tội phạm khác về chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ cơ quan tư pháp”.
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Gòn (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, qua thực tiễn điều tra tội phạm trong hoạt động tư pháp cho thấy, nếu chỉ giao Cơ quan điều tra theo những tội như trên chưa khắc phục triệt để những khó khăn khi điều tra làm rõ hành vi phạm tội trong hoạt động tư pháp. Vì vậy, ĐB Phạm Văn Gòn kiến nghị giao cho Cơ quan điều tra VKS thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm trong hoạt động tư pháp, thay vì chỉ 2 tội xâm phạm như trong dự thảo luật. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu cho cơ quan này điều tra một số vụ án tham nhũng, những vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Cần quy định thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố sớm hơn
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến ĐB đề nghị quy định thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố sớm hơn so với dự thảo đã trình Quốc hội. Theo ĐB Trần Đình Sơn (Đắc Lắk), việc xác định phạm vi thực hành quyền công tố của VKSND là rất quan trọng, nếu để VKSND tham gia ngay từ khi có tội phạm xảy ra là đúng với chức năng của VKSND, phù hợp với mục tiêu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Ngay trong giai đoạn đầu, nếu VKSND có quyền yêu cầu khám xét, bắt giữ, thu thập chứng cứ… thì sẽ tạo thuận lợi cho các giai đoạn sau của vụ án, còn nếu VKSND chỉ tham gia từ khi có đề nghị khởi tố vụ án hoặc từ giai đoạn điều tra tin báo tố giác tội phạm thì dễ xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm”, ĐB Sơn phân tích.
Phân tích Điều 3 như Dự thảo quy định về chức năng thực hành quyền công tố của VKSND, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng ở đây có một khoảng trống bởi thực tế có nhiều tội phạm xảy ra nhưng không có tin báo tố giác. Ví dụ trong một số trường hợp, nhiều tội phạm xảy ra nhưng không có tin báo tố giác tội phạm do người biết thông tin sợ không dám tố giác, trong các vụ án giết người… Do đó, đề nghị quy định: “thực hành quyền công tố từ khi có tin báo tố giác tội phạm hoặc “khi xảy ra tội phạm”.
Mặt khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung quy định: Phải kiểm sát quyền thực hành công tố. Phân tích Điều 13, 15, 17, ĐB Nghĩa cho rằng VKS chủ yếu nêu ra kiểm soát người khác, vậy thì trong lúc này công tố vẫn đang thực hành quyền của mình thì ai giám sát?, Theo đó, ĐB Nghĩa về tổ chức VKSND cấp tỉnh nên có 1 phòng công tố và 1 phòng kiểm sát, tương tự ở cấp cao hơn thì có Cục, VKSNDTC là Tổng cục. “Nói như vậy không có nghĩa là một anh công tố phải có một anh kiểm sát đi theo mà kiểm sát ở đây là qua hồ sơ, chứng cứ, báo cáo”, ĐB Nghĩa nói./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam