Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu tán thành về những quy định: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án phải góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, có ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh đảm bảo hoạt động của Tòa án nhân dân, đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng, để đảm bảo hoạt động của tòa án nhân dân thì dự thảo Luật cần ghi đúng cụm từ hội thẩm nhân dân để phân biệt hội thẩm nhân dân không phải là biên chế của tòa án mà là nhân dân bầu ra thông qua hội đồng nhân dân.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến tại hội trường sáng 27/10.
(Ảnh: TTXVN)
Theo đại biểu Đặng Công Lý, một trong những đặc trưng của nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, bản thân chế định hội thẩm nhân dân là sự thể hiện tư tưởng lấy dân làm gốc bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của tòa án.
Một số đại biểu đề nghị: Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, tòa án phải xem xét về tính hợp pháp các hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của luật.
Góp ý vào Điều 2: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, dự thảo luật quy định Tòa án có thẩm quyền chủ trì phối hơp với Viện Kiểm sát xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ nếu thấy cần thiết, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đề nghị: Để phù hợp với tinh thần Kết luận 92 của Bộ Chính trị xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền tư pháp, quy định tại Điểm C điều 2 trong Dự thảo luật cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện Kiểm sát khi thực hiện yêu cầu của Tòa án, có như vậy mới tạo điều kiện để Tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm...
Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn là việc Tòa án là cơ quan được giao quyền xét xử, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng các quyết định của Tòa án là điều đương nhiên nên không cần phải quy định trong luật. Và quy định thẩm phán phải có hiểu biết xã hội phong phú như trong Dự thảo luật là rất chung chung.
Đánh giá khoản 1 Điều 64 quy định tiêu chuẩn thẩm phán là phải có hiểu biết xã hội là chung chung, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, trên thực tế rất khó để phân biệt xem xét một thẩm phán nào hội đủ điều kiện để bổ nhiệm, do vậy ở điểm này chỉ quy định thẩm phán phải có trách nhiệm tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân là phù hợp.
Ngoài các nội dung trên, tại phiên họp sáng nay, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm rà soát lại một số điều khoản của dự thảo Luật, chỉnh lý, bổ sung thêm nhiều điều luật, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, quy định trách nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân về luân chuyển và điều động thẩm phán; quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, trách nhiệm của hội thẩm…
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam