Ngành Ngân hàng: Thực hiện nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

(NTO) Trong 9 tháng năm 2014, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 15,2% so với cuối năm 2013, cao hơn so với bình quân của cả nước. Đây là con số hết sức ý nghĩa của ngành Ngân hàng trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

Xác định việc tăng trưởng tín dụng là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động kinh doanh và là giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) nhất là các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; thực hiện nghiêm việc giảm lãi suất cho vay, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên

Các NHTM đã đẩy mạnh hoạt động cho vay thông qua việc triển khai nhiều gói sản phẩm, chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất mới và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường nên tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt cao, đảm bảo an toàn. Trong 9 tháng qua, tổng doanh số cho vay nền kinh tế đạt 18.078 tỷ đồng, tăng 4.119 tỷ đồng so với cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng đạt 9.229 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cuối năm 2013, đạt gần 82% kế hoạch năm. Trong đó đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn 1.860 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu 250 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa 3.650 tỷ đồng. Các NHTM nhận được 40.184 hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng (tăng 2.671 hồ sơ so với cùng kỳ), đã giải quyết cho vay 40.180 hồ sơ, với doanh số cho vay 17.599 tỷ đồng, đạt 99,99%. Toàn tỉnh có 1.012 DN được vay vốn ngân hàng (tăng 109 DN so với cuối năm 2013), với dư nợ 3.650 tỷ đồng, chiếm gần 46% dư nợ cho vay của các NHTM.

Thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 139 HĐTD/63,7 tỷ đồng; các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ là 225,9 tỷ đồng; xem xét miễn, giảm lãi vay 64 HĐTD, với số lãi được miễn giảm là 2,7 tỷ đồng. Cho vay ngắn hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên là 6.567 tỷ đồng, chiếm 44,37% tổng doanh số cho vay ngắn hạn trong cùng thời kỳ, trong đó DN 5.512 tỷ đồng, chiếm gần 84%. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm, dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 0,42% tổng dư nợ cho vay, dư nợ có lãi suất trên 13%/năm còn 1,91%. Hiện tại, cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7,2%- 8%/năm, cho vay ngắn hạn nhu cầu vốn khác 9-12%/năm, cho vay trung dài hạn phổ biến 11% -12,5%.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên

Ngân hàng đã phối hợp với các ngành chức năng, Đảng ủy khối Doanh nghiệp khảo sát, nắm bắt các khó khăn của DN về quan hệ tín dụng để đề xuất tháo gỡ, tổng hợp báo cáo tình hình nợ vay TCTD của các DN thi công xây lắp các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trình UBND tỉnh xử lý tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN giảm nợ cơ cấu, nợ xấu. Thực hiện Chương trình “Kết nối ngân hàng với DN” đã có 3 ngân hàng: Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á đã ký kết hỗ trợ vốn vay với 8 DN, tổng số vốn 750 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Từ nay đến cuối năm, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm từ 18-20%. Trong đó tập trung vốn đầu tư tín dụng đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, ưu tiên cho các lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, các dự án hiệu quả. Triển khai chính sách tín dụng phát triển ngành Thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Chương trình cho vay thí điểm mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 14/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện chính sách tín dụng với người nuôi tôm. Đẩy mạnh hoạt động kết nối Ngân hàng với DN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng: gói tín dụng cho vay hỗ trợ xuất nhập khẩu, giảm trừ lãi suất cho vay 0,5%/năm với VNĐ và 1% đối với USD, đồng thời miễn giảm chi phí cung cấp dịch vụ trọn gói phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh, thanh toán hàng xuất khẩu cho khách hàng; gói tín dụng ưu đãi lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng với lãi suất cho vay từ 7.0%/năm; Chương trình ưu đãi dành cho khách hàng DN tham gia bình ổn thị trường năm 2014-Tết Ất Mùi 2015, với nguồn vốn 500 tỷ đồng; Chương trình ưu đãi dành cho khách hàng DN ngành may mặc, lãi suất VNĐ 8%/năm và USD 4%/năm; Chương trình “Nghìn tỷ ưu đãi-lãi suất tự chọn” áp dụng cho tất cả khách hàng vay vốn từ 12 tháng trở lên, quy mô chương trình lên đến 1.000 tỷ đồng.

Với các giải pháp tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng nhằm khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế là điều thuận lợi để các DN xây dựng các phương án làm ăn hiệu quả, vượt lên khó khăn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh.