Đại biểu Quốc hội phải trung thực, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, chiều 22/10, Quốc hội thảo ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị Dự thảo luật cần bổ sung các biện pháp nhằm đổi mới hơn nữa hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Hiến pháp mới 2013.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, sau khi chỉnh lý, Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) có 7 chương 102 điều, tăng 1 chương và giảm 10 điều so với Dự thảo trước đây.

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội trong dự thảo giống tiêu chuẩn của cán bộ, công chức

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Dự thảo luật cần bổ sung các biện pháp đổi mới hơn nữa hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Hiến pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và góp phần khắc phục những tồn tại hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội thời gian qua.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội và đại biểu quốc hội trong Dự thảo luật chưa đầy đủ, cần có thêm một điều luật riêng quy định cụ thể về tổ chức bộ máy của Quốc hội gồm các cơ quan nào cấu thành nên Quốc hội ngay tại chương 1 để có cái nhìn tổng quát về thiết chế bộ máy tổ chức Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh, quy định Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số là chưa đầy đủ mà phải có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu quốc hội biểu quyết tán thành như trường hợp bãi nhiệm đại biểu quốc hội hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội và sửa đổi Hiến pháp.

 

Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Về đại biểu quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung Chương 2 còn quy định chung chung, cơ chế hoạt động của Quốc hội còn nặng về hành chính, quyền hạn của đại biểu quốc hội chưa rõ ràng, số lượng đại biểu chuyên trách có tăng những chưa đáng kể. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ trách nhiệm quyền hạn và bổ sung các quy định để bảo đảm tính độc lập cho đại biểu quốc hội, hạn chế tình trạng hành chính hóa của đại biểu cũng như thể hiện rõ tinh thần tiêu chuẩn quan trọng nhất của đại biểu quốc hội là phải được cử tri tin tưởng bầu vào Quốc hội để phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của cử tri trước Quốc hội.

Nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục sửa một số điều trong Dự thảo luật để sau khi ban hành, luật góp phần nâng cao vị thế vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị, đáp ứng được lòng mong đợi của cử tri. Về quyền quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước, một số đại biểu cho rằng, Dự thảo luật lần này được sửa đổi theo hướng tăng cường vai trò của Quốc hội về ngân sách Nhà nước nhưng chưa thực sự căn bản, qua đó đề nghị cần đổi mới các quy định về thẩm quyền quyết định ngân sách Nhà nước của Quốc hội để cơ quan đại diện của người dân thực sự là chủ nhân phân bổ đồng tiền do người dân đóng thuế. Muốn vậy, việc trình dự toán phân bổ ngân sách hàng năm ra Quốc hội phải kèm theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, thuyết minh phản ánh những ưu tiên của quốc gia trong lĩnh vực đó.

Nêu quan điểm của mình, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội trong dự thảo còn chung chung, giống như tiêu chuẩn của cán bộ, công chức khác. Do vậy, đại biểu Đương đề nghị bổ sung cụm từ "phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân".

Về trình độ, năng lực của đại biểu Quốc hội, đại biểu Đương cho rằng dự thảo cũng quy định chung chung. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy các đại biểu quốc hội có rất nhiều thành phần. Mặt khác, dự thảo Luật cần quy định rõ, đại biểu Quốc hội phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động, phải có năng lực làm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đại biểu phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về hành vi và lời nói của mình.

Theo Đại biểu Đương, tiêu chuẩn về đại biểu chuyên trách phải cao hơn đại biểu thông thường. Ngoài năng lực, học vấn, đại biểu chuyên trách phải từng trải qua thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ. Ví dụ như trong lĩnh vực tư pháp, đại biểu chuyên trách đọc hồ sơ phải biết được oan sai; xem xét báo cáo phải phát hiện chỗ nào là ngụy biện, chỗ nào là thực chất… chứ nếu không thì vai trò thẩm tra, giám sát là rất hạn chế. Vì vậy, đại biểu Đương đề xuất, đại biểu chuyên trách phải là chuyên viên cao cấp và phải có 15 năm làm thực tiễn, hạn chế lựa chọn những người có chức vụ.

Tán thành quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, đại biểu quốc hội phải là người trung thực, dám thể hiện bản lĩnh của mình để xứng đáng là người đại diện cho cử tri và nhân dân.

Theo đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), đại biểu chuyên trách là người hoạt động thường xuyên và giữ những chức vụ quan trọng trong Quốc hội và địa phương, vì vậy, năng lực của đại biểu chuyên trách ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và uy tín của Quốc hội.

Đại biểu Châu và nhiều đại biểu khác cho rằng, cần quy định rõ tiêu chuẩn, tuổi đời với đại biểu chuyên trách, đặc biệt là bổ sung tư cách đạo đức với đại biểu Quốc hội chuyên trách; quy định bắt buộc về thâm niên hoạt động trong lĩnh vực tham gia chuyên trách, đã tham gia Quốc hội ít nhất 1 nhiệm kỳ; quy định thời gian tối thiểu phải tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ hoạt động...

Cụ thể hơn, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, theo quy định hiện hành, mức lương của đại biểu chuyên trách tương đương với mức lương của phó chủ tịch UBND tỉnh. Vì vậy, tiêu chuẩn của đại biểu chuyên trách cũng phải tương đương với tiêu chuẩn chức danh này.

Về tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong cơ cấu tổ chức Quốc hội, đa số đại biểu nhất trí như quy định của dự luật: số đại biểu chuyên trách chiếm ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Làm rõ thêm về tỷ lệ này, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, nếu được, mỗi đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nên có ít nhất 2 đại biểu chuyên trách.

2/3 đại biểu Quốc hội đồng ý mới bỏ phiếu tín nhiệm là quá cao

Đóng góp ý kiến về quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng: Dự thảo luật quy định đại biểu có quyền kiến nghị bằng văn bản những chưa chưa quy định quyền kiến nghị trực tiếp tại phiên họp toàn thể. Đây là quyền quan trọng mà hầu hết các nước đều quy định. Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị cần quy định quyền kiến nghị của đại biểu quốc hội nói chung không chỉ với vấn đề tín nhiệm mà cả những vấn đề quan trọng quốc gia, đồng thời quy định nguyên tắc cơ chế xử lý kiến nghị đó vì trên thực tế cho thấy, việc giải quyết các kiến nghị của đại biểu quốc hội còn hạn chế và không theo một quy trình nào.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị quy định này cần phải ghi rõ hơn, cụ thể “nên thay đổi từ "không tín nhiệm có thể từ chức" thành "phải từ chức". Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu ý kiến, khi người được lấy phiếu tín nhiệm mà có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì cần quy định thêm người này được quyền từ chức. Vì với kết quả 2/3 tín nhiệm thấp, Quốc hội không cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm một lần nữa.

Liên quan nội dung này, một số Đại biểu đề nghị không cần đợi đến 2/3 tỷ lệ phiếu thấp mới bỏ phiếu hay cho từ chức mà chỉ cần 1/2 số phiếu tín nhiệm thấp, người được lấy phiếu cũng nên từ chức, nếu họ không từ chức sẽ thực hiện xử lý theo quy định.

Ngoài ra, các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội nên bổ sung việc lấy phiếu tín nhiệm với chức danh Chủ tịch Hội đồng bầu cử và Tổng thư ký Quốc hội vì những người này cũng giữ chức vụ do Quốc hội bầu.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam