Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4-10):

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội về phòng cháy, chữa cháy

(NTO) Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Ngày 4-6-1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là “Ngày toàn dân PCCC”. Nhân ngày Toàn dân PCCC năm nay, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Văn Thành, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh.

Đại tá Trần Văn Thành,
Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết đôi nét về công tác PCCC trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?

Đồng chí Trần Văn Thành: Có thể nói, ý thức, trách nhiệm về công tác PCCC trong toàn dân đã được nâng cao. Các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về PCCC. Trong từng cơ quan, doanh nghiệp (DN) đã xây dựng các đội PCCC tại chỗ và trang bị phương tiện PCCC cần thiết để kịp thời xử lý tình huống cháy nổ xảy ra.

Công tác kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC cũng được tăng cường, tập trung chủ yếu vào các cơ sở nguy cơ cháy nổ cao, nơi tập trung đông người. Trong năm 2014, lực lượng Cảnh sát PCCC đã kiểm tra gần 600 lượt cơ sở, hướng dẫn khắc phục 1.546 trường hợp sơ hở, thiếu sót; xử phạt 11 trường hợp vi phạm về công tác PCCC. Thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp tại địa bàn cơ sở 85 buổi với 4.119 lượt người tham dự, tổ chức huấn luyện cho 26 đội PCCC, với 779 đội viên về kiến thức nghiệp vụ PCCC, cách xử lý tình huống cháy nổ. Tuy nhiên việc thực hiện công tác PCCC vẫn còn những hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương và trong nhân dân chưa thực sự quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác PCCC... Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ, gây thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng. Số vụ cháy và mức độ thiệt hai đều tăng và chủ yếu xảy ra trong các khu dân cư.

Phóng viên: Kinh tế phát triển thì nguy cơ gây cháy, nổ càng tăng. Vậy, đồng chí đánh giá như thế nào về hạ tầng cơ sở PCCC và ý thức về PCCC trong xã hội hiện nay?

Đồng chí Trần Văn Thành: Hiện tại tỉnh ta chưa có điều kiện để thành lập đội PCCC và CNCH, nên xảy cháy ở những nơi này lực lượng tại chỗ không đáp ứng được yêu cầu chữa cháy. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến nơi thì đám cháy đã lớn, thậm chí lửa đã tắt trong khi theo quy định bán kính bảo vệ của đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp chỉ trong khoảng 3-5 km mới đảm bảo hiệu quả. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động PCCC của Cảnh sát PCCC, lực lượng chữa cháy tại chỗ trong cơ quan, DN, khu dân cư còn nhiều khó khăn, vậy khi cháy xảy ra không có lực lượng, phương tiện để tổ chức chữa cháy ngay từ khi mới phát sinh, dẫn đến thời gian cháy tự do kéo dài, làm đám cháy phát triển lớn.

Bên cạnh đó, ý thức trong công tác PCCC còn nhiều hạn chế. Qua các vụ cháy có thể cho thấy công tác PCCC trong thời gian qua ở một số cơ quan, đơn vị, DN, địa phương chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác PCCC; các điều kiện đảm bảo cho yêu cầu công tác PCCC chưa đáp ứng được sự phát triển KT-XH ở địa phương cũng như quy mô sản xuất, kinh doanh của các DN. Đặc biệt, xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, nhất là khu dân cư còn khó khăn, thiếu kinh phí hoạt động. Do vậy, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động PCCC. Việc chấp hành pháp luật PCCC của một bộ phận dân cư, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức và DN chưa thực sự nghiêm túc; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác, xem nhẹ việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCCC ở gia đình, cơ quan, đơn vị mình nên không phát hiện được các nguy cơ có thể gây cháy hoặc không đủ lực lượng phương tiện để tổ chức chữa cháy nên để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại.

Phóng viên: Với thực trạng nêu trên, để công tác PCCC đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản, trong thời gian tới, theo đồng chí, cần làm tốt những công việc gì?

Đồng chí Trần Văn Thành: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an tỉnh tiếp tục tập trung và tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC, trong đó chú trọng tuyên truyền trong khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC để từ đó mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, từng người dân có biện pháp, giải pháp phòng ngừa cháy nổ.

Tập trung việc kiểm tra, hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn PCCC theo các chuyên đề PCCC khu dân cư, xăng dầu, khí gas, cơ sở sản xuất, hàng hóa dễ cháy, các chợ và trung tâm thương mại để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy nổ. Hướng dẫn cơ quan, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng các phương án PCCC tại chỗ để chủ động giải quyết các tình huống cháy xảy ra; trang bị các loại phương tiện chữa cháy, phương tiện phục vụ thoát nạn phù hợp với cơ sở, địa bàn.

Củng cố và xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, huấn luyện lực lượng này để đảm bảo khả năng xử lý tình huống cháy nổ, tình huống cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở, địa bàn dân cư, qua đó làm nòng cốt cho hoạt động PCCC, hạn chế cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Lực lượng Cảnh sát PCCC luôn luôn ứng trực, xây dựng phương án chữa cháy để sẵn sàng xử lý các tình huống cháy và cứu nạn, cứu hộ xảy ra. Khi có cháy mọi người cần thông tin khẩn cấp đến số máy 114 của Cảnh sát PCCC và CNCH, số máy công an phường, xã để huy động lực lượng phương tiện chữa cháy, cứu nạn kịp thời.

Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí!