Cần quy định cụ thể hành vi vi phạm nội quy phiên tòa

Cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quy định cụ thể hành vi vi phạm nội quy phiên tòa.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, chiều ngày 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) và việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Băn khoăn quy định xử phạt hành vi vi phạm nội quy phiên tòa

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn, Dự thảo Pháp lệnh gồm có 4 chương, 20 điều quy định cụ thể hình thức, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân. Đối với các quy định về nguyên tắc xử phạt, đối tượng bị xử phạt, thời hiệu xử phạt, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt, cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử phạt hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, những trường hợp không xử phạt, bồi thường thiệt hại, thủ tục xử phạt, thi hành, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định xử phạt hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân sẽ được thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp tại phiên họp chiều nay là về việc xử phạt hành vi vi phạm nội quy phiên toà. Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn, về vấn đề này có hai loại ý kiến khác nhau. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất cho rằng theo quy định của các luật tố tụng thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền ban hành Nội quy phiên toà; do đó, những hành vi nào là vi phạm nội quy phiên toà sẽ do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quy định. Nếu Pháp lệnh này lại quy định cụ thể hành vi nào là hành vi vi phạm nội quy phiên toà thì không phù hợp với thẩm quyền đã được xác định trong các luật tố tụng. Loại ý kiến này đề nghị chỉ quy định trong Pháp lệnh hình thức, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nội quy phiên toà; còn hành vi nào là vi phạm nội quy phiên toà sẽ căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật quy định về nội quy phiên toà do Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành và hình thức, mức phạt (cảnh cáo, phạt tiền) đối với từng trường hợp sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm cụ thể của người có hành vi vi phạm nội quy phiên toà.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định hình thức, mức xử phạt đối với các hành vi cụ thể về vi phạm nội quy phiên toà ngay trong Pháp lệnh này (tức là liệt kê các hành vi nào là vi phạm nội quy phiên toà và mức xử phạt, hình thức xử phạt cụ thể đối với từng hành vi đó) để phân hoá cụ thể mức độ, trách nhiệm đối với từng hành vi về vi phạm nội quy phiên toà, vì mỗi hành vi vi phạm có mức độ khác nhau.

“Toà án nhân dân tối cao nhất trí với loại ý kiến thứ nhất” - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho biết.

Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết Ủy ban này tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác trong Ủy ban này đề nghị Pháp lệnh này cần quy định cụ thể hành vi vi phạm nội quy phiên tòa.

Tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền bày tỏ băn khoăn về qui định xử phạt hành vi vi phạm nội qui phiên tòa. Theo ông, cần làm rõ thêm quy định này vì không phải hành vi vi phạm nội quy nào cũng cần xử phạt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, qua 2 lần cho ý kiến, dự án Pháp lệnh vẫn còn nhiều vấn đề chưa được lý giải chặt chẽ như: phạm vi, thẩm quyền, mức xử phạt giữa tổ chức và cá nhân, một số qui định về thủ tục.

Về quy định các hành vi vi phạm nội qui phiên tòa, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ tất cả hay chỉ một số hành vi bị xử lý hành chính? “Theo tinh thần Hiến pháp, hạn chế quyền con người phải là luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã qui định cụ thể các trình tự, thủ tục và giao cho Chính phủ qui định nên Pháp lệnh cần nghiên cứu thêm” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định mức phạt tiền tối thiểu và tối đa đối với các hành vi bị xử phạt không quá rộng để không bị lợi dụng; đồng thời cân nhắc mức phạt đối với tổ chức, cá nhân.

Khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Theo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội – cơ quan thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật là một trong những điều ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về nhân quyền.

Tính đến tháng 9/2014 đã có 158 quốc gia ký Công ước, trong đó có 150 quốc gia đã phê chuẩn. Trong các nước ASEAN có 8 nước đã phê chuẩn Công ước. Công ước về quyền của người khuyết tật là một trong những điều ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về nhân quyền. Việt Nam đã ký Công ước vào ngày 22/9/2007, qua thảo luận các ý kiến đều cho rằng đến nay mới phê chuẩn là quá chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi đầy đủ quyền của người khuyết tật (Việt Nam hiện có 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, nếu tính theo khái niệm của Công ước thì số lượng còn lớn hơn nhiều, tỷ lệ người khuyết tật tại Việt Nam có xu hướng tăng lên, một trong những nguyên nhân là tai nạn giao thông chưa được kiềm chế).

Ủy ban này đánh giá, những nội dung của Công ước về cơ bản phù hợp với những quy định của pháp luật Việt Nam, tuy còn có một số nội dung chưa được quy định cụ thể, đầy đủ trong hệ thống pháp luật Việt Nam; hơn nữa pháp luật Việt Nam ưu tiên áp dụng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, Công ước cũng không có quy định nào ràng buộc về thời điểm phải thực hiện toàn bộ các cam kết cũng như kế hoạch, chính sách mà quốc gia thành viên đã đề ra, do đó việc phê chuẩn Công ước không ảnh hưởng gì đến quyền, nghĩa vụ của Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước.

Để triển khai thực hiện Công ước sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Ủy ban này đề nghị Chính phủ rà soát sự tương thích giữa nội dung của Công ước với hệ thống pháp luật trong nước, nội luật hóa các nội dung của Công ước, trước mắt tập trung vào những luật có liên quan trực tiếp đến quyền của người khuyết tật như Luật người khuyết tật, Bộ Luật lao động, Bộ luật dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật giáo dục, Luật nhà ở, Luật bảo hiểm y tế, Luật giao thông đường bộ, Luật tiếp cận thông tin... Căn cứ điều kiện Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng lộ trình thực hiện Công ước với các yêu cầu, mục tiêu, chính sách cụ thể cho từng giai đoạn.

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phân công một cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi nội luật hóa các nội dung của Công ước vào các dự án luật có liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua. Đối với Quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban về các vấn đề xã hội lcủa Quốc hội làm đầu mối phối hợp với các cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án luật tiến hành rà soát để bảo đảm sự tương thích giữa nội dung Công ước với các dự án luật mà Quốc hội thông qua.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam